Hội Thánh – Phần 09: Các Ân Tứ

3,062 views

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

 Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Trong tiếng Hán Việt, “ân” là ơn, “tứ” là sự ban cho từ nhà vua; “ân tứ” tức là ơn vua ban cho. Từ ngữ này rất thích hợp để gọi những ơn mà Đức Chúa Trời, qua Đức Thánh Linh, ban cho con dân của Ngài. Từ ngữ “ân tứ” được dùng để dịch chữ “χάρισμα,” /kha-ris-ma/ [1] của tiếng Hy-lạp. Trong nguyên ngữ, từ ngữ này có nghĩa là ơn được Thiên Chúa ban cho bởi ân điển của Ngài, chứ không phải bởi công đức của người nhận. (“Ân điển” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là: ơn vua ban cho thần dân trong ngày đại lễ của quốc gia, khi dùng trong Thánh Kinh thì có nghĩa là sự thương xót và các phước của Đức Chúa Trời ban cho những kẻ không xứng đáng).

Ân tứ là những đức tính và tài năng đến từ Đức Thánh Linh, mà không cần học tập, là điều mà trước khi tin Chúa chúng ta không có nhưng sau khi tin Chúa chúng ta tự nhiên có được.

Trong thế gian, có những hiện tượng mà chúng ta gọi là thiên tài bẩm sinh, nghĩa là tài năng do Trời ban cho ngay từ khi được sinh ra đời, chứ không phải do tập luyện. Trong ý nghĩa rộng, thì thiên tài cũng chính là ân tứ, tức ơn ban cho của Đức Chúa Trời; nhưng thiên tài không phải là ân tứ được Đức Chúa Trời ban cho con dân Chúa trong Hội Thánh. Có thể nói, thiên tài là dấu hiệu cho loài người nhận biết sự thực hữu và khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa; và thiên tài được ban cho bất cứ ai. Còn ân tứ là đức tính và năng lực đặc biệt, chỉ được ban cho con dân Chúa trong Hội Thánh.

Ngoài các ân tứ kèm theo các chức vụ do Đức Chúa Trời lập ra trong Hội Thánh, như: nói tiên tri, giảng dạy, chăn bầy… để gây dựng và phát triển Hội Thánh, thì Đức Thánh Linh cũng ban cho mỗi con dân Chúa những ân tứ không kèm theo chức vụ, để ai nấy đều được dự phần trong công việc xây dựng nhà của Đức Chúa Trời. Dù có thể một người có ít hay có nhiều ân tứ Chúa ban, nhưng không ai là không có ân tứ. Vì Thánh Kinh đã khẳng định: Đức Thánh Linh “theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người” (I Cô-rinh-tô 12:11).

Có tất cả 14 loại ân tứ được Đức Thánh Linh ban cho Hội Thánh, trong đó, có 10 loại ân tứ cùng tên với 10 chức vụ, được ban cho các trưởng lão để họ thi hành các chức vụ trong Hội Thánh. Còn lại bốn ân tứ không nằm trong các chức vụ, được I Cô-rinh-tô 12:7-11 liệt kê như sau:

1. Ân tứ nói lời khôn ngoan.

2. Ân tứ nói lời tri thức.

3. Ân tứ về đức tin.

4. Ân tứ phân biệt các thần.

Người được ban cho các ân tứ kể trên không cần phải là trưởng lão hay chấp sự trong Hội Thánh. Ngược lại, trưởng lão hoặc chấp sự trong Hội Thánh cũng có thể được ban cho các ân tứ kể trên.

Ân Tứ Nói Lời Khôn Ngoan.

Trước hết, chúng ta cần phân biệt một số các từ ngữ sau đây:

1. Kiến là gặp, thức là hiểu rõ. Kiến thức là sự hiểu biết do tự mình quan sát, tự mình kinh nghiệm [2].

2. Học là học tập. Học thức là sự hiểu biết do tiếp nhận kinh nghiệm và hiểu biết từ người khác [2]

3. Trí là do suy luận mà biết. Trí thức là sự hiểu biết do suy luận, dựa trên kiến thức, và học thức; tức là, biết phối hợp kiến thức với học thức để suy ra những sự hiểu biết khác chưa gặp và chưa học đến [3].

4. Tri là tự nhiên biết. Tri thức là sự hiểu biết tự nhiên không do quan sát, học tập, kinh nghiệm, hoặc suy luận. Tri thức là sự hiểu biết do Đức Chúa Trời ban cho loài người, còn gọi là “lương tri” tức là sự biết tốt lành tự có bên trong mỗi người [4].

Biết cách áp dụng sự tri thức và trí thức vào trong cuộc sống là khôn ngoan. Lời nói khôn ngoan là lời nói giúp cho người khác biết cách thức áp dụng tri thức và trí thức vào trong cuộc sống. Đức Thánh Linh ban cho một số người trong Hội Thánh có ơn nói lời khôn ngoan để giúp cho tất cả con dân Chúa biết sống cách khôn ngoan. Vua Sa-lô-môn là một thí dụ điển hình về người được ơn nói lời khôn ngoan.

Ân tứ nói lời khôn ngoan bao gồm:

  • Sự dùng Lời Chúa để dạy dỗ, an ủi, khích lệ, góp ý, bênh vực, quở trách, sửa trị người khác.

  • Sự giải thích các điềm chiêm bao và các khải tượng.

  • Sự đáp lời của những kẻ bắt lý về đức tin trong Chúa và về các lẽ thật của Thánh Kinh.

Ân Tứ Nói Lời Tri Thức.

Tri thức là sự hiểu biết tự nhiên về Đức Chúa Trời và công việc của Ngài, do chính Ngài ban cho loài người, như Rô-ma 1:18-20 đã khẳng định:

“Nhưng cơn giận của Thiên Chúa từ trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và không công bình của loài người, của những kẻ dùng sự không công bình mà cầm giữ lẽ thật. Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính đời đời của Ngài; cho nên, họ không thể chữa mình”

Mỗi người đều có tri thức cơ bản về Đức Chúa Trời, do Ngài ban cho, đủ để họ tin nhận Ngài và đầu phục Ngài. Tuy nhiên, những ai tin nhận và đầu phục Đức Chúa Trời thì có tri thức nhiều hơn là những ai không tin nhận, không đầu phục Ngài. Trong vòng những người tin nhận Chúa lại có những người có tri thức sâu nhiệm về Chúa và Lời Chúa hơn người khác, tùy thuộc vào mức độ yêu kính Chúa, vâng giữ các điều răn của Ngài, và lòng khao khát học biết về Ngài.

Đức Thánh Linh ban ơn cho một số con dân Chúa nói ra những sự mầu nhiệm về Thiên Chúa, về Lời của Đức Chúa Trời, để giải bày những sự cao trọng của Thiên Chúa và những lẽ mầu nhiệm của các giáo lý trong Thánh Kinh.

Lời nói khôn ngoan nghiêng về nếp sống Đạo theo đúng Lời Chúa. Lời nói tri thức nghiêng về sự hiểu biết sâu nhiệm Thiên Chúa và Thánh Kinh.

Ân Tứ về Đức Tin.

Mỗi người đều được Đức Chúa Trời ban cho một lượng đức tin cơ bản để có thể tin nhận Ngài và đầu phục Ngài. Đức tin đó là đức tin để nhận sự cứu rỗi. Những ai chọn tin nhận và đầu phục Đức Chúa Trời thì sẽ được tăng trưởng trong đức tin; vì đức tin dẫn đến đức tin (Rô-ma 1:17). Những đức tin khác do Đức Thánh Linh ban cho là:

1. Đức tin vào trong Thánh Kinh, công nhận Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời và là thẩm quyền tuyệt đối trong đời sống của con dân Chúa:

“Cả Thánh Kinh đều là bởi Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (II Ti-mô-thê 3:16).

“Vì Lời Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi phân chia linh hồn, tâm thần, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12).

2. Đức tin vào trong tình yêu của Đức Chúa Trời, vì thế, luôn cảm tạ Chúa trong mọi sự, vì biết rằng:

“Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28)

3. Đức tin vào trong sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, vì thế, luôn giữ mình thánh sạch để được “thấy Đức Chúa Trời:”

“Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 5:8)!

“Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Chúa” (Hê-bơ-rơ 12:14).

“Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (I Phi-e-rơ 1:15-16).

4. Đức tin vào trong sự công bình của Đức Chúa Trời; vì thế, khi phạm tội thì luôn ăn năn và xưng tội để được Ngài tha tội và làm cho sạch tội; cũng không trả thù ai nhưng nhường sự trả thù cho Đức Chúa Trời:

“Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (I Giăng 1:9).

“Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho sự thạnh nộ; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng” (Rô-ma 12:19).

5. Đức tin vào trong các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời:

“Cứ theo chứng cớ Chúa, tôi đã biết từ lâu rằng, Chúa lập các điều răn ấy đến đời đời” (Thi Thiên 119:152).

“Vì Ta nói thật với các ngươi, đang khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn. Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời” (Ma-thi-ơ 5:18-19).

“Vậy, chúng ta nhân đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp” (Rô-ma 3:31).

6. Đức tin vào trong mọi lời hứa của Ba Ngôi Thiên Chúa:

“Vậy nên, phải nhận biết rằng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi, là Đức Chúa Trời, là Thần thành tín, giữ sự giao ước và nhân từ đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ các điều răn Ngài” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:9).

“Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là thiện; sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi, Và sự thành tín Ngài còn đến đời đời” (Thi Thiên 100:5).

“Hãy cầm giữ sự làm chứng về điều trông cậy chúng ta chẳng chuyển lay, vì Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành tín” (Hê-bơ-rơ 10:23).

“Đức Chúa Jesus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 13:8).

7. Đức tin vào trong các sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh và vâng phục Ngài:

“Lúc nào Thần Lẽ Thật đến, thì Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và Ngài giải bày cho các ngươi những sự sẽ đến. Chính Ngài sẽ tôn vinh Ta, vì Ngài sẽ nhận từ nơi Ta mà giải bày cho các ngươi” (Giăng 16:13-14).

“Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc” (Ê-phê-sô 4:30).

“Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh” (Khải Huyền 2:7, 11, 17, 29; 3:6, 13, 22).

8. Đức tin vào trong những lời khôn ngoan và tri thức, vào trong sự nhận biết các tà linh và phân biệt các thần của các anh chị em trong Hội Thánh:

“Hỡi anh em, nên nói thể nào? Khi anh em nhóm lại với nhau, trong anh em, ai có bài ca, hoặc bài giảng dạy, hoặc lời tỏ sự kín nhiệm, hoặc nói các ngoại ngữ, hoặc thông giải chăng? Hãy làm hết thảy cho được gây dựng” (I Cô-rinh-tô 14:26).

9. Đức tin về sự Đức Chúa Jesus Christ sẽ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, trước Kỳ Đại Nạn:

“Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến, chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa những đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17).

“Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:9).

“Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách là giờ sẽ đến trên mọi người trong thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất” (Khải Huyền 3:10).

10. Đức tin vào trong sự hiệp một của Hội Thánh Chúa, là sự hiệp một không thể chia thành bè đảng, giáo hội, giáo phái:

“Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói như vầy: Ta là môn đồ của Phao-lô; ta là của A-bô-lô, ta là của Sê-pha, ta là của Đấng Christ. Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhân danh Phao-lô mà chịu phép báp-tem sao” (I Cô-rinh-tô 1:12-13)?

“Thật, bởi trong anh em có sự ghen ghét và tranh cạnh, anh em há chẳng phải là tánh xác thịt ăn ở như người thế gian sao? Có người thì nói: Ta là môn đồ của Phao-lô; kẻ thì rằng: Ta là của A-bô-lô, vậy anh em há chẳng phải là người cũng như kẻ khác sao” (I Cô-rinh-tô 3:3-4)?

Thay thế các tên Phao-lô, A-bô-lô, Sê-pha, Đấng Christ bằng tên của các giáo hội, giáo phái thì chúng ta sẽ thấy rõ ý nghĩa của thực trạng Hội Thánh ngày nay!

“Đức Chúa Trời chẳng phải là Chúa của sự loạn lạc, bèn là Chúa sự hòa bình. Hãy làm như trong cả Hội Thánh của các thánh đồ” (I Cô-rinh-tô 14:33).

“Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ, và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, tức là sự đầy dẫy của Đấng đổ đầy mọi sự trong mọi loài” (Ê-phê-sô 1:22-23).

Hội Thánh của Chúa được cai trị bởi chính Chúa qua các trưởng lão trong Hội Thánh tại mỗi địa phương chứ không phải do một giáo hoàng, hay tổng hội trưởng, hay giáo hạt trưởng, hay chủ tịch nào hết! Cũng không có Hội Thánh địa phương nào cầm quyền trên Hội Thánh địa phương khác. Không có Hội Thánh mẹ và Hội Thánh con. Hễ nơi nào có Hội Thánh địa phương thì Hội Thánh địa phương đó được chính Đức Chúa Jesus Christ cai trị qua các trưởng lão trong Hội Thánh.

Ân Tứ Phân Biệt Các Thần.

Lời Chúa dạy cho con dân Chúa rằng:

“Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ” (I Giăng 1:4).

Ngay từ thưở ban đầu của Hội Thánh đã có sứ đồ giả, người chăn giả, giáo sư giả, tiên tri giả, tín đồ giả (A-na-nia, Sa-phi-ra). Họ là những kẻ giả mạo sự thần cảm bởi Đức Thánh Linh (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:2) hoặc bị chính các tà linh điều khiển, để gieo rắc tà giáo vào trong Hội Thánh. Thử các thần là tìm xem lời nói, sự giảng dạy, nếp sống của một người là do năng lực của Đức Thánh Linh, hay là do bản ngã xác thịt và tà linh điều khiển.

Làm thế nào để thử các thần? Đó là đối chiếu sự giảng dạy của bất cứ ai với Thánh Kinh, để xem có đúng với Thánh Kinh hay không; và xem xét cách ăn, nếp ở của người đó, có bông trái của Đức Thánh Linh hay không. Nếu không, thì lời giảng và nếp sống của người đó không bởi Đức Thánh Linh, mà bởi xác thịt hoặc bởi tà linh mạo nhận danh Chúa:

“Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé. Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hay là trái vả nơi bụi tật lê? Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt” (Ma-thi-ơ 7:15-18).

“Các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng vương quyền của Thiên Chúa. Nhưng trái của Đấng Thần Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:19-22).

“Những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy Đạo, ngày nào cũng tra xem Thánh Kinh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11).

Từ ngữ “thần” trong mệnh đề “thử các thần” và “phân biệt các thần” vừa chỉ về Thánh Linh của Chúa, vừa chỉ về các tà linh mạo nhận danh Chúa, vừa chỉ về các khuynh hướng tội lỗi, như: kiêu ngạo, tà dâm, tham lam, dối trá. Con dân chân thật của Chúa thì có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể mình và được đầy dẫy Thánh Linh của Chúa. Một người tự nhận mình là con dân của Chúa, tôi tớ của Chúa mà vẫn đang sống trong tội lỗi, thì không hề có Thánh Linh của Chúa mà chỉ có tà linh mạo nhận danh Chúa cùng các khuynh hướng của xác thịt ưa thích tội lỗi điều khiển người ấy mà thôi.

Đức Thánh Linh ban cho một số người trong Hội Thánh có ơn nhận biết ngay các tà linh đang vận hành trong một người, dầu người đó đang nhân danh Chúa để nói tiên tri, đuổi quỷ, và làm ra các phép lạ (Ma-thi-ơ 7:22-23). Những người được ơn phân biệt các thần giúp cho Hội Thánh nhận diện các giáo sư giả và tiên tri giả, ngay lập tức, bằng cách chỉ ra những sự dạy dỗ và nếp sống không đúng với Thánh Kinh của những kẻ giả mạo ấy.

Ơn phân biệt các thần còn giúp cho người được ơn nhận ra ngay, người đang bị tà linh nhập hoặc người đang rao giảng tà giáo.

Kết Luận

Không một con dân nào của Chúa mà không có ít nhất một ân tứ do Đức Thánh Linh ban cho, để giúp ích cho các anh chị em khác trong Hội Thánh. Vì ân tứ của Đức Thánh Linh được ban cho mỗi người trong Hội Thánh, ai riêng phần nấy (I Cô-rinh-tô 12:11). Người nhận được ân tứ của Đức Thánh Linh có nhiệm vụ quản trị ân tứ đó, dùng ân tứ đó sao cho kết quả, làm ích lợi cho Hội Thánh và được Chúa vui nhận.

Ngụ ngôn về các ta-lâng trong Ma-thi-ơ 25:14-30 cũng bao hàm ý nghĩa về trách nhiệm của con dân Chúa trong việc quản trị các ân tứ Chúa ban. I Phi-e-rơ 4:9-10 dạy rõ:

“Người nầy người khác phải tiếp đãi nhau, chớ có cằn nhằn. Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Thiên Chúa”

Nguyện mỗi người trong Hội Thánh nhận biết các ân tứ Đức Thánh Linh đã ban cho mình và hết lòng, hết sức dùng các ân tứ ấy để gây dựng Hội Thánh của Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
28.9.2013

Ghi Chú

[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G5486: G5486, được chuyển ngữ quốc tế thành (charisma), phiên âm quốc tế là /khä’-rē-smä/, phiên âm tiếng Việt là /kha-ris-ma/.

[2] Cựu Ước dùng chữ “דּעת,” H1847. Tân Ước dùng chữ “γνῶσις,” G1108. Thánh Kinh dùng chung một từ ngữ cho cả kiến thức lẫn học thức.

[3] Cựu Ước dùng chữ “תּבוּן,” H8394. Tân Ước dùng chữ “νοῦς,” G3563. Dịch sang tiếng Việt là trí thức.

[4] Cựu Ước dùng chữ “ידע,” H3045. Tân Ước dùng chữ “εἴδω,” G1492. Dịch sang tiếng Việt là biết hoặc tri thức.

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet: