NYTTN: Thắc Mắc và Ngụy Biện về Ngày Sa-bát

3,252 views

Thắc Mắc và Ngụy Biện về Ngày Sa-bát

Huỳnh Christian Timothy

Thắc mắc và ngụy biện là hai điều hoàn toàn khác nhau. Thắc mắc là hỏi để hiểu rõ một điều gì. Ngụy biện là sau khi đã được giải thích rõ ràng và hợp lý mà vẫn tìm cách lý luận để bác đi lời giải thích ấy. Tâm trí của người ngụy biện là chú tâm tìm cách bác bỏ những điều được giải thích cho mình chứ không phải chú tâm để tìm kiếm lẽ thật được trình bày trong lời giải thích.

Ngày nay, trong Hội Thánh Chúa có nhiều kẻ ngụy biện, tìm cách bác bỏ những lời giải bày rõ ràng và hợp lý về các mạng lệnh của Chúa trong Thánh Kinh, nhất là về điều răn thứ tư: giữ ngày Sa-bát vào ngày Thứ Bảy trong tuần!

Khi đọc Lời Chúa hoặc nghe giảng về Lời Chúa, chúng ta có thể hỏi để hiểu rõ mà làm theo cho đúng ý Chúa chứ chúng ta không được phép biện luận để bác bỏ ý muốn của Chúa. Thí dụ: Đối với điều răn thứ tư về việc giữ ngày Sa-bát, chúng ta có thể hỏi những điều sau đây:

  • Địa cầu có nhiều múi giờ khác nhau, như vậy, chúng ta giữ ngày Sa-bát theo múi giờ nào?

  • Trong ngày Sa-bát chúng ta được phép làm những gì và không được phép làm những gì?

  • Ngày Thứ Bảy theo lịch hiện tại có đúng là ngày Sa-bát trong Thánh Kinh hay không?

  • V.v..

Nhưng nếu có ai lý luận rằng: Miễn là tôi làm việc trong sáu ngày, dành riêng một ngày yên nghỉ và thờ phượng Chúa, cho dù đó là Chủ Nhật hay Thứ Hai, v.v. thì tôi đã giữ điều răn thứ tư. Bởi vì, Lời Chúa dạy: “Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát, một ngày nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh; đừng làm một công việc gì; ấy là Lễ Sa-bát của Đức Giê-hô-va trong những nơi các ngươi ở” (Lê-vi Ký 23:3); thì người đó đã sai và là cố tình ngụy biện để tránh làm theo Lời Chúa.

Lê-vi Ký 23:3 là nhắc lại Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11, mà Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11 thì dựa trên Sáng Thế Ký 2:1-3. Thiên Chúa dựng nên trời đất trong sáu ngày, từ ngày Thứ Nhất đến ngày Thứ Sáu. Sau đó, Thiên Chúa dựng nên ngày Thứ Bảy, ban phước cho ngày Thứ Bảy, đặt làm ngày thánh. Vì thế, ngày Thứ Bảy là ngày theo sau các ngày Thứ Nhất, Thứ Nhì, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, và Thứ Sáu, chứ không phải là bất cứ ngày nào trong tuần mà một người muốn chọn, theo ý mình: “Ấy vậy, trời đất và muôn vật đã dựng nên xong rồi. Ngày Thứ Bảy, Thiên Chúa làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày Thứ Bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày Thứ Bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã sáng tạo và đã làm xong rồi” (Sáng Thế Ký 2:1-3). Thánh Kinh ba lần nhấn mạnh đến ngày Thứ Bảy, mà ngày nay người ta lại giải thích thành “một ngày trong bảy ngày” thì đúng là ngụy biện!

Chỉ có hai loại người chống việc giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy: Loại thứ nhất là những người không muốn giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy vì tham lam: tham tiền, tham việc hoặc tham vui. Họ không muốn nghỉ kiếm tiền, nghỉ dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, hoặc nghỉ các thú vui vi phạm luật Sa-bát (như đi xem các cuộc đấu thể thao mà các vận động viên được trả lương) trong ngày Thứ Bảy. Loại thứ nhì là những người tham quyền, tham danh, tham lợi muốn bảo vệ chức quản nhiệm “hội thánh” của mình trong các giáo phái không công nhận việc giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy.

Lời của Đức Chúa Trời rất là rõ ràng và thánh khiết, được Ngài tôn cao hơn cả danh Ngài (Thi Thiên 138:2). Chỉ có những người chưa chịu từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo Chúa mỗi ngày, những người vẫn còn tham lam mới không tôn kính, vâng phục Lời Chúa. Họ luôn tìm đủ cách ngụy biện để khỏi phải làm theo những gì Chúa phán dạy mà có đụng chạm đến lòng tham của họ. Những người đó tự dối mình và dối người. Họ cần phải biết rằng, một ngày kia, họ sẽ phải trả lời với Chúa về sự không vâng phục Lời Chúa mà còn ngụy biện, dẫn dắt nhiều người khác làm theo như họ.

Thánh Kinh cho biết: Tham lam chính là thờ thần tượng, vì lòng tham lam đặt điều mà một người tham lam làm trên hết trong đời sống họ. Số phận của những người tham lam là hư mất đời đời, nếu họ không kịp ăn năn:

“Vì anh em phải biết rõ rằng kẻ gian dâm, ô uế, tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không một kẻ nào được dự phần kế nghiệp vương quốc của Đấng Christ là Thiên Chúa” (Ê-phê-sô 5:5).

“Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa, tham lam, tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng” (Cô-lô-se 3:5).

Tôi tin rằng, những con dân Chúa vì thiếu hiểu biết, bị các giáo hội dạy tà giáo, mà không giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, thậm chí còn dạy cho người khác làm như mình (như bản thân tôi trước đây [1]) sẽ không mất sự cứu rỗi. Tuy nhiên, trong đời này họ không nhận được các ơn phước Đức Chúa Trời chỉ dành riêng cho những người giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy; trong đời sau, họ sẽ bị xưng là cực nhỏ trong vương quốc của Ngài: “Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời” (Ma-thi-ơ 5:19).

Tôi tin rằng, những ai xưng mình là con dân Chúa, sau khi đã được Chúa ban cho cơ hội nghe hoặc đọc những lời giải thích rõ ràng về ngày Sa-bát Thứ Bảy, mà vì lòng tham lam, vẫn ngụy biện để bác bỏ lẽ thật của Lời Chúa, không làm theo, thì họ sẽ bị hư mất: “Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi. Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót, huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi máu của giao ước, tức là máu mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đấng Thần Linh của ân điển, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao” (Hê-bơ-rơ 10:26-29)?

Luật pháp Môi-se được nói đến trên đây chính là những điều luật được ghi trong một cuốn sách gọi là Sách Luật Pháp (Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:26), để bên cạnh Rương Giao Ước có hai bảng đá chứa Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời [2]. Sự “cố ý phạm tội” được nói đến trên đây là cố ý chống nghịch bất cứ điều nào trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Thánh Kinh cho biết, muôn dân trên đất, không phân biệt dân I-sơ-ra-ên hay dân ngoại, phạm tội là vì họ vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời: “Đất bị dân cư làm ô uế, vì họ đã phạm luật pháp, trái điều răn, dứt giao ước đời đời” (Ê-sai 24:5). Thánh Kinh cho biết, trong ngày Đức Chúa Trời phán xét các dân cư trên đất, Rương Giao Ước chứa hai bảng đá ghi chép Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, do chính tay Ngài viết ra, sẽ hiện ra trên trời để làm chứng nghịch cùng những kẻ vi phạm điều răn và luật pháp của Ngài: “Rồi, đền thờ của Đức Chúa Trời mở ra ở trên trời. Rương Giao Ước trong đền thờ của Ngài được thấy. Có những chớp nhoáng, những âm thanh và những sấm vang, cùng động đất và mưa đá lớn” (Khải Huyền 11:19).

Chỉ khi nào một người từ bỏ lòng tham, thì người ấy mới có thể giữ được ngày Sa-bát Thứ Bảy của Đức Chúa Trời. Chỉ có con dân chân thật của Chúa mới từ bỏ được lòng tham, bởi năng lực của Thánh Linh, bởi lòng yêu thương tôn kính Chúa, và bởi lòng biết ơn Chúa, sẵn sàng sống cho Chúa và chết cho Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
29.4.2013

Ghi Chú

[1] Tôi từng giảng và viết bài chống việc giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, bảo vệ cho việc chuyển ngày Sa-bát sang Chủ Nhật, theo như điều tôi đã học và được nghe lý luận từ giáo hội. Tôi nghĩ rằng, không một lý luận chống nghịch sự giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy nào mà tôi chưa từng biết đến và chưa từng dùng đến! Khi tôi được Đức Thánh Linh phán trong tâm thần tôi rằng, tôi đã sai trong việc giữ ngày Sa-bát, thì tôi lập tức ăn năn và sửa đổi ngay. Tôi nói với nhà tôi về việc phải giữ ngày Sa-bát vào Thứ Bảy, thì bà cầu nguyện hỏi ý Chúa nếu bà không nghỉ làm ngày Thứ Bảy thì có phạm tội hay không? (vì bà làm nghề cắt tóc, mà Thứ Bảy là ngày đông khách nhất), thì Chúa phán thẳng với bà: “Có tội!” Vì thế, bà quyết tâm đóng cửa tiệm ngày Sa-bát ngay trong tuần lễ ấy! Kế tiếp, tôi thẳng thắn làm chứng và giảng cho Hội Thánh mà tôi đang quản nhiệm (thuộc giáo phái Báp-tít) về việc con dân Chúa phải giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy. Tôi chấp nhận hậu quả có thể xảy ra, là tôi sẽ bị cho là “giảng tà giáo” và mất chức quản nhiệm.

[2] Hê-bơ-rơ 9:4 “…rương giao ước, toàn bọc bằng vàng. Trong rương có một cái bình bằng vàng đựng đầy ma-na, cây gậy trổ hoa của A-rôn, và hai bảng giao ước!”

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?q5s78lzgetsoejf

Bấm vào đây để đọc các bài “Những Ý Tưởng Trong Ngày” khác:
https://www.timhieutinlanh.com/?page_id=2209