NYTTN: Thiên Chúa

4,544 views

Thiên Chúa

Huỳnh Christian Timothy
“Những ý Tưởng Trong Ngày:” https://www.timhieutinlanh.com/?page_id=2209

Thánh Kinh bắt đầu với danh xưng “‘ĕlôhı̂ym,” là một danh từ số nhiều trong tiếng Hê-bơ-rơ, phiên âm sang Việt ngữ là “Ê-lô-him,” để chỉ các thần linh. Khi “Ê-lô-him” được Thánh Kinh dùng để chỉ về Đấng Tạo Hóa thì không có nghĩa là “các thần” mà chỉ có nghĩa là “thần,” động từ theo sau nó luôn luôn thuộc về hình thức số ít. Vì vậy, hình thức số nhiều của “Ê-lô-him” khi dùng cho Đấng Tạo Hóa không diễn tả về số lượng mà diễn tả về phẩm chất, nói đến sức toàn năng của Đấng Tạo Hóa: “Ban đầu, Ê-lô-him (Thiên Chúa) sáng tạo các tầng trời và đất” (Sáng Thế Ký 1:1).

Trong phần Tân Ước viết bằng tiếng Hy-lạp thì Thánh Kinh dùng từ ngữ “Theos,” phiên âm sang Việt ngữ là “Thê-ô” để gọi Đấng Tạo Hóa và dịch từ ngữ “Ê-lô-him” của Cựu Ước. Khi “Thê-ô” không có mạo từ xác định “ho” đứng trước thì chỉ chung về Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi “Thê-ô” có mạo từ xác định “ho” đứng trước thì chỉ về Thiên Chúa Ngôi Cha [1].

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dùng danh từ “Đức Chúa Trời” để dịch từ ngữ “Ê-lô-him” và “Thê-ô.”

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Bản Dịch Ngôi Lời thì dùng từ ngữ “Thiên Chúa” để dịch “Ê-lô-him” và “Thê-ô;” dùng từ ngữ “Đức Chúa Trời” để dịch từ ngữ “Thê-ô” có mạo từ “ho” đứng trước. Như vậy, trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Bản Dịch Ngôi Lời, danh từ “Thiên Chúa” được dùng để chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa, còn danh từ “Đức Chúa Trời” được dùng để chỉ về Thiên Chúa Ngôi Cha: “Ban đầu có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Giăng 1:1).

Từ ngữ Thiên Chúa trong tiếng Hán Việt có nghĩa là “Chúa ở trên trời.” Từ ngữ “Đức Chúa Trời” có nghĩa là “Chúa ở trên trời đáng tôn kính.”

Theo sự bày tỏ của Thánh Kinh thì chỉ có một Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa. Thiên Chúa tự có và có đến mãi mãi, vì thế, tên riêng của Ngài, do chính Ngài xưng nhận, là: “Đấng Tự Có và Có Mãi Mãi,” dịch sang tiếng Hán Việt là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14). Danh xưng này được viết bằng bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ, chuyển ngữ quốc tế thành “YHWH,” và được phiên âm sang Việt ngữ là “Giê-hô-va.” Thánh Kinh cũng bày tỏ rằng, Thiên Chúa dù chỉ có một nhưng được thể hiện trong ba thân vị, gọi là: Cha, Con và Thánh Linh. Theo văn phạm Hy-lạp thì Ma-thi-ơ 28:19 dùng số ít cho từ ngữ “danh,” tức là chỉ có một tên nhưng lại liệt kê ra ba thân vị của Thiên Chúa: “Vậy, hãy đi khiến cho muôn dân trở nên môn đồ, trong danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh hãy làm phép báp-tem cho họ.” Danh được nói đến ở đây tức là danh “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” hoặc “Đấng Tự Có và Có Mãi Mãi.” Vì thế, khi làm báp-tem cho người mới tin nhận Chúa, chúng ta cần phải nói: “Trong Danh Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh tôi làm báp-tem cho (nói tên người chịu báp-tem).”

Nhiều người có thói quen dùng danh từ “Thượng Đế” để gọi Thiên Chúa của Thánh Kinh. Thậm chí, có một bản dịch mới của Thánh Kinh Việt Ngữ cũng dùng danh từ “Thượng Đế” để dịch “Ê-lô-him” và “Thê-ô.” Đây là một sự sai lầm lớn, vì danh từ “Thượng Đế” được dân ngoại giáo dùng để gọi thần tượng của họ. Con dân Chúa nên tránh dùng nó để gọi Thiên Chúa của Thánh Kinh.

Các điểm quan trọng về Thiên Chúa được Thánh Kinh bày tỏ là:

1. Chỉ có một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị, được Thánh Kinh gọi là Cha, Con, và Thánh Linh. Đức Chúa Cha là Thiên Chúa, Đức Chúa Con là Thiên Chúa, Đức Thánh Linh là Thiên Chúa; nhưng không phải có ba Thiên Chúa, mà là: chỉ có một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị.

2. Ba thân vị Thiên Chúa cùng một bản thể là tình yêu; cùng một bản chất là: yêu thương, thánh khiết, và công chính; cùng một bản tính:

  • tự hữu và hằng hữu nghĩa là có từ đời đời và có đến đời đời,

  • toàn năng nghĩa là làm được mọi sự,

  • toàn tại nghĩa là có mặt khắp nơi,

  • toàn tri nghĩa là biết hết mọi sự,

  • toàn thiện nghĩa là hoàn toàn tốt lành,

  • toàn mỹ nghĩa là hoàn toàn vinh quang, đẹp đẻ,

  • toàn túc nghĩa là hoàn toàn đầy đủ.

3. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa.

Các từ ngữ sau đây liên quan đến cách gọi Thiên Chúa và các thân vị của Thiên Chúa:

  • Thiên Chúa: Gọi chung ba thân vị của Thiên Chúa, còn gọi là Ba Ngôi Thiên Chúa.

  • Đức Chúa Cha hoặc Đức Chúa Trời: Gọi Thiên Chúa Ngôi Cha.

  • Đức Chúa Con; Đức Chúa Jesus; Con Người; Con Thiên Chúa; Đấng Christ; Jesus Christ; Christ Jesus hoặc Đấng Mê-si: Gọi Thiên Chúa Ngôi Con.

  • Đức Thánh Linh; Đấng Thần Linh; Thần Lẽ Thật; Thần Linh Thiên Chúa hoặc Thần Linh Đấng Christ: Gọi Thiên Chúa Ngôi Thánh Linh.

Ngoài ra, còn có danh từ “Thánh Linh” dùng để gọi năng lực của Thiên Chúa tác động trên muôn loài thọ tạo hoặc được ban cho loài người bởi Đức Thánh Linh. Chúng ta cần phân biệt giữa “Đức Thánh Linh” là một thân vị của Thiên Chúa với “Thánh Linh” là năng lực của Thiên Chúa. Con dân của Thiên Chúa có Đức Thánh Linh là Thiên Chúa ngự trong lòng và được đầy dẫy Thánh Linh là năng lực của Thiên Chúa. Có nhiều người nói cách sai lầm: “đầy dẫy Đức Thánh Linh.” Chúng ta hoặc có Đức Thánh Linh hoặc không có Đức Thánh Linh chứ không có chuyện “đầy dẫy Đức Thánh Linh” hoặc “không đầy dẫy Đức Thánh Linh.” Nhưng chúng ta có thể “đầy dẫy Thánh Linh” hoặc “không đầy dẫy Thánh Linh.”

Nguyện Đức Thánh Linh giúp mỗi con dân Chúa được hiểu biết về các danh xưng liên quan đến Thiên Chúa và loại bỏ việc dùng danh từ “Thượng Đế” để gọi Thiên Chúa

Huỳnh Christian Timothy
18.4.2013

Ghi Chú

[1] Xem giải thích chi tiết trong phần chú giải Giăng 1:1 tại đây: http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/node/30

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?srbxxzfde5yggr4

Mọi góp ý xin email đến: lienlac@timhieutinlanh.com
Chúng tôi sẽ chọn những lời góp ý có tính cách xây dựng và khích lệ để đăng vào trang
Ý Kiến Bạn Đọc