NYTTN: Của Lễ Thù Ân

7,934 views

Của Lễ Thù Ân

Huỳnh Christian Timothy
“Những ý Tưởng Trong Ngày:” https://www.timhieutinlanh.com/?page_id=2209

Từ ngữ “thù ân” được dịch từ chữ “shelem” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh (phiên âm Việt ngữ: “sê-lem”). Trong tiếng Hê-bơ-rơ thì “shelem” có nghĩa là:

1. “Lễ vật hòa bình” được dâng lên Thiên Chúa để bày tỏ tình bạn hoặc sự liên minh giữa hai người.

2. “Lễ vật tạ ơn Thiên Chúa” do những người đã được phục hòa với Thiên Chúa, tức là đã được Ngài tha tội, và được ở trong giao ước của Ngài.

Trong tiếng Hán Việt, “thù ân” có nghĩa là “đền ơn” hoặc “trả ơn.” Thời Cựu Ước, của lễ thù ân là của lễ do con dân Thiên Chúa tự nguyện dâng lên Ngài để:

  • Tỏ lòng biết ơn những gì Thiên Chúa đã làm cho mình: sự tha tội và sự kết giao ước.

  • Tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa đã ban cho mình các sản vật: sự quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc sống.

  • Tạ ơn Thiên Chúa sau khi hoàn tất lời hứa nguyện với Ngài (còn gọi là của lễ hứa nguyện – Lê-vi Ký 7:16).

  • Tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa trong mọi nơi, mọi lúc (còn gọi là của lễ lạc ý – Lê-vi Ký 7:16). “Lạc ý” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là vui lòng, nghĩa rộng là tự nguyện.

Và như vậy, các của lễ thù ân được con dân Thiên Chúa tự ý dâng lên Ngài theo sự cảm động của lòng họ, ngoại trừ trong kỳ Lễ Ngũ Tuần thì Thiên Chúa quy định sự dâng của lễ thù ân bằng hai con chiên con (Lê-vi Ký 23:19).

Ngày nay, con dân Chúa có thể dâng của lễ thù ân lên Thiên Chúa để:

  • Tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa đã ban cho mình sự cứu rỗi và giao ước mới trong huyết của Đức Chúa Jesus Christ về sự sống lại, sự sống đời đời, và sự đồng trị đời đời với Đấng Christ. Của lễ thù ân này có thể dâng lên Thiên Chúa trong dịp kỷ niệm Lễ Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần.

  • Tỏ lòng biết ơn sự yêu thương, chăm sóc, gìn giữ, tiếp trợ, dạy dỗ, dẫn dắt… Thiên Chúa đã và đang làm ra mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Của lễ thù ân này có thể dâng lên Thiên Chúa vào mỗi ngày Thứ Bảy Sa-bát.

  • Tỏ lòng biết ơn và tôn kính Thiên Chúa qua sự dự phần trong công cuộc rao giảng Tin Lành và xây dựng Hội Thánh của Thiên Chúa. Của lễ thù ân này có thể dâng lên Thiên Chúa bất kỳ lúc nào lòng chúng ta được sự cảm động.

Chúng ta có thể dâng của lễ thù ân qua: công sức, thời gian, tiền bạc, phương tiện, quyền thế:

  • Công sức: dâng sức lao động của tâm trí và thể xác lên Thiên Chúa để dự phần trong việc rao giảng Tin Lành và chăm sóc, gây dựng Hội Thánh của Thiên Chúa.

  • Thời gian: dâng thời gian để lao động cho và để cầu nguyện cho công việc của nhà Thiên Chúa.

  • Tiền bạc: dâng hiến tiền bạc cho công cuộc rao giảng Tin Lành, phát hành các văn hóa phẩm chứng Đạo và bồi linh, tiếp trợ những người chăn bầy và giảng Đạo, tiếp trợ các con dân Chúa đang trong hoàn cảnh khó khăn về vật chất.

  • Phương tiện: dâng các tài sản như xe cộ, nhà cửa, máy móc, vv… để dùng vào các công việc của nhà Chúa. Có thể là cho mượn dùng trong một khoảng thời gian, có thể là dâng hiến trọn vẹn để chuyên dùng cho các công việc của nhà Chúa.

  • Quyền thế: dâng thẩm quyền và ảnh hưởng của mình trong xã hội để giúp ích cho các công việc của nhà Chúa.

Ai cũng có thể dâng của lễ thù ân lên Thiên Chúa, miễn là tấm lòng của người đó thật sự biết ơn và tôn kính Thiên Chúa, muốn được tỏ bày qua hành động cụ thể. Bậc cha mẹ nên dạy và khuyến khích con cái của mình về sự dâng của lễ thù ân, để các em có thể dự phần dâng của lễ lên Thiên Chúa từ khi còn bé, hầu “dồn chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền vững cho mình, để được cầm lấy sự sống thật” (I Ti-mô-thê 6:19). Cha mẹ có thể cho tiền quà con cái và hướng dẫn chúng tự nguyện dành một phần trong số tiền quà ấy để dâng lên Thiên Chúa, như là của lễ thù ân.

Ngoài ra, của lễ thù ân còn là lời tôn vinh, ca ngợi của chúng ta dâng lên Thiên Chúa; lời thuật lại cho người khác nghe Thiên Chúa đã cứu giúp, tiếp trợ, và ban ơn cho chúng ta như thế nào, và dạy dỗ chúng ta như thế nào; cùng là những việc lành và lòng bố thí của chúng ta đối với những người cần sự cứu giúp:

“Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jesus mà hằng dâng tế lễ bằng lời tôn vinh cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra. Chớ quên việc lành và lòng bố thí, và sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:15-16).

Lạy Cha yêu thương của chúng con ở trên trời. Xin Cha giúp cho chúng con luôn biết tỏ lòng yêu thương, kính mến và biết ơn của chúng con đối với Ba Ngôi Thiên Chúa, qua sự dâng hiến những của lễ thù ân mỗi ngày trong đời sống của chúng con. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
17.4.2013

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?hqsj63vc05rri1l

Mọi góp ý xin email đến: lienlac@timhieutinlanh.com
Chúng tôi sẽ chọn những lời góp ý có tính cách xây dựng và khích lệ để đăng vào trang
Ý Kiến Bạn Đọc