Hỏi & Đáp: Xuất Xứ của “Hình Đức Chúa Jesus”

4,651 views

Huỳnh Christian Timothy

Hỏi:

Xin cho biết về xuất xứ của bức hình mà hiện nay trên thế giới thường gọi là hình Đức Chúa Jesus!

Đáp:

Trong khoảng 300 năm đầu của lịch sử Hội Thánh thì Hội Thánh hoàn toàn chống đối việc trưng bày hình tượng và tranh ảnh trong những nơi nhóm họp, thờ phượng Chúa [1]. Sự kiện thể hiện những hình ảnh gọi là “hình của Chúa” trong các họa phẩm chỉ xuất hiện sau khi Giáo Hội Công Giáo được thành lập vào năm 380 [2].

Khi Giáo Hội Công Giáo được thành lập thì những đền thờ tà thần của các ngoại giáo bị sát nhập làm nơi thờ phượng của Giáo Hội Công Giáo, và giáo hội này đã giữ nguyên các bức tượng tà thần trong những nơi đó, chỉ thay đổi tên gọi của chúng, bằng cách dùng tên các sứ đồ của Chúa và các nhân vật trong Thánh Kinh. Từ đó dẫn đến việc vẽ hình các nhân vật trong Thánh Kinh và cái gọi là “hình Chúa” để trang trí trong các nhà thờ. Phải trải qua nhiều thế kỷ, các bức tranh chân dung của “Chúa” mới có những nét chung làm chuẩn, dầu vậy, vẫn có hàng trăm sắc thái khác nhau. Có nhiều website thu thập các hình chân dung của “Chúa” trải qua mọi thời đại, một trong những website điển hình là: http://www.religionfacts.com/jesus/image_gallery.htm.

Vì thế, khó mà trả lời chính xác và đầy đủ về xuất xứ của “hình Đức Chúa Jesus.” Có lẽ hai tấm hình đáng chú ý nhất là:

1. Bức tranh “Bữa Ăn Cuối Cùng” (The Last Supper): do họa sĩ Leonardo da Vinci vẽ vào năm 1495-1497

Nguồn: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/c/ca/Leonardo_da_Vinci_-_Ultima_cena_-_ca_1975.jpg

2. Bức tranh “Đầu của Christ” (Head of Christ): do họa sĩ Warner Sallman vẽ vào năm 1940.

Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/File:The_Head_of_Christ_by_Warner_Sallman_1941.jpg

Là con dân chân thật của Chúa, chúng ta cần loại bỏ tất cả những cái gọi là “hình Chúa” ra khỏi đời sống của chúng ta. Những bức tranh đó rõ ràng không phải là chân dung của Chúa mà chỉ là sự tưởng tượng của những kẻ thờ thần tượng. Khi chúng ta chỉ vào một bức tranh nào, nói rằng, đó là hình Chúa, là chúng ta đang nói dối và làm gương xấu cho con cháu của mình, đồng thời sỉ nhục Chúa, vì đó không phải là chân dung của Chúa. Nhất là những tấm hình “Chúa” vẽ hình một người đàn ông tóc dài lại càng là một sự sỉ nhục Chúa của chúng ta càng hơn. Thánh Kinh chép rõ:

Chính lẽ tự nhiên há chẳng dạy cho anh em biết đàn ông để tóc dài thì lấy làm hổ thẹn sao” (I Cô-rinh-tô 11:14)?

Điều đáng buồn là ngày nay, trong các giáo hội, người ta thản nhiên phổ biến, trưng bày, tôn quý những cái gọi là “hình Chúa!” các giáo hội và nhiều con dân Chúa đã tốn kém không biết bao nhiêu là thì giờ, của cải, công sức cho những thứ gớm ghiếc, làm sỉ nhục Đấng mà họ xưng rằng, họ đang tôn thờ.

Huỳnh Christian Timothy
30.3.2013

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?f32l3f4qv47q34z

Ghi Chú

[1] “Synod of Elvira,” năm 306, Canon 36: “Tranh ảnh không được đặt trong các chỗ nhóm họp để chúng không trở thành đối tượng của sự ngưỡng mộ và thờ phượng.”

[2] Bruce L. Shelley. “Church History In Plain Language,” trang 94-97. Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1995.

Năm 312, Hoàng Đế La-mã Constantine nhập Đạo; năm 313, ông ra chiếu chỉ khoan dung cho Đạo Chúa dẫn đến việc hình thành Công Giáo sau này. Hoàng Đế Theodosius I (379-392) thuộc Đông Đế Quốc La-mã và Hoàng Đế Gratian (367-375) thuộc Tây Đế Quốc La-mã chung nhau ra chiếu chỉ quốc giáo hóa Đạo Chúa trong toàn Đế Quốc La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380.

http://en.wikipedia.org/wiki/Edict_of_Thessalonica.