NYTTN: Mức Độ của Đức Tin – Phần 1

3,261 views

Mức Độ của Đức Tin – Phần 1

Huỳnh Christian Timothy
“Những ý Tưởng Trong Ngày:” https://www.timhieutinlanh.com/?page_id=2209

Đức tin là một trong hai yếu tố để tôi nhận được ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Nếu tôi thật lòng ăn năn tội nhưng không có đức tin nơi Chúa, thì tôi vẫn không được cứu (gương của Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt).

Đời sống mới trong Chúa của tôi bắt đầu bằng đức tin trong Đấng Christ và tăng trưởng bởi đức tin trong Đấng Christ (Hê-bơ-rơ 12:2). Đức tin đem lại cho tôi tri thức về Thiên Chúa, về Lời của Đức Chúa Trời, khiến cho tôi được cứu rỗi, được dựng nên mới, được thánh hóa; và đức tin trở thành chứng cớ vững chắc trong tôi cho mọi điều đã được Đức Chúa Trời bày tỏ trong Thánh Kinh.

Qua Lời Chúa và qua kinh nghiệm bước đi với Chúa mỗi ngày, tôi biết rằng, từ đức tin cơ bản vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, là đức tin đem lại cho tôi sự cứu rỗi, cho đến đức tin đầy trọn, là đức tin mang lại cho tôi sự sống đời đời, có nhiều mức độ khác nhau.

Thánh Kinh dùng các từ ngữ “ít đức tin” (Ma-thi-ơ 6:30, 8:26, 16:8, 17:20), “đức tin lớn” (Ma-thi-ơ 8:10, 15:28), và “đầy đức tin” (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:5, 11:24) để nói đến các mức độ của đức tin trong tâm thần của những người tin nhận Chúa.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh:

  • Từ ngữ “ít” bao gồm các ý nghĩa:

a) nhỏ bé về kích thước, ít ỏi về số lượng;

b) ngắn ngủi về thời gian;

c) yếu ớt về cường độ, thí dụ: ánh sáng yếu ớt không đủ để soi sáng, không thể chiếu đi xa.

  • Từ ngữ “lớn” bao gồm các ý nghĩa:

a) rất lớn về kích thước, rất nhiều về số lượng;

b) rất lâu dài về thời gian;

c) rất mạnh về cường độ.

  • Từ ngữ “đầy” bao gồm các ý nghĩa:

a) đầy tràn, ngược lại với trống rỗng;

b) bao phủ khắp bề mặt, thấm nhuần khắp bề trong, như miếng bông đá được nhúng vào trong nước hoặc như cơn mưa lớn làm ngập một vùng;

c) hoàn toàn; trọn vẹn; không thiếu hụt.

Qua đó, tôi hiểu rằng, mức độ của đức tin trong tôi liên quan đến năng lực và thành quả nếp sống Đạo của tôi. Mỗi một con dân Chúa là một chiến sĩ thuộc linh của Đức Chúa Jesus Christ, và tôi không hề được miễn trừ bổn phận làm lính chiến của Chúa. Ma Quỷ và thế gian đương nhiên tấn công tôi khi tôi thuộc về Chúa, và tôi phải cậy ơn Chúa mà chịu khổ để chiến cự (Ê-phê-sô 6:12; II Ti-mô-thê 2:3). Vì đức tin là khiên, là thuẫn thuộc linh để chống đỡ và dập tắt những mũi tên lửa của kẻ thù (Ê-phê-sô 6:16), cho nên, để có thể tồn tại trong cuộc chiến giữa tôi và thế gian cùng thế lực của Ma Quỷ, tôi phải có đức tin đầy trọn.

Để có đức tin đầy trọn, tôi phải hết lòng tin cậy Chúa bằng cách tin nhận và làm theo những gì Chúa đã phán dạy trong Thánh Kinh. Vì chính Thánh Kinh khẳng định:

Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

(Xin xem tiếp phần 2)

Huỳnh Christian Timothy
21.3.2013

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?31fgry5qh0kz4mc

Từ Ngữ:

Đạo: Lời của Đức Chúa Trời; đường lối, ý muốn của Đức Chúa Trời theo như sự bày tỏ của Thánh Kinh.

Sống Đạo: Sống theo đường lối của Đức Chúa Trời bằng cách vâng phục các điều răn của Ngài.

Thiên Chúa: Một Đấng Tạo Hóa thể hiện trong ba thân vị, còn gọi là “Ba Ngôi Thiên Chúa:” Thiên Chúa Ngôi Cha (còn gọi là: Đức Chúa Cha hoặc Đức Chúa Trời); Thiên Chúa Ngôi Con (còn gọi là: Đức Chúa Con hoặc Đức Chúa Jesus hoặc Thiên Chúa Ngôi Hai); và Thiên Chúa Ngôi Linh (còn gọi là: Đức Thánh Linh hoặc Thiên Chúa Ngôi Ba). Không phải có ba Thiên Chúa, cũng không phải có một thân vị Thiên Chúa mang ba tên gọi khác nhau, mà là: “Chỉ có một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị và ba thân vị ấy hiệp một trong thực thể Thiên Chúa.”