Điều Răn: Hãy Nhớ Ngày Nghỉ…

4,906 views

Điều Răn: Hãy Nhớ Ngày Nghỉ…

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire:https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống

https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/103_giaouocdieuranluatphap

Xưa nay, lịch sử của loài người chưa bao giờ có sự giải thích vì sao mà một tuần lễ có chu kỳ bảy ngày, cũng không có tôn giáo nào dành ra một ngày trong mỗi tuần để làm ngày yên nghỉ và thờ phượng thần linh, ngoại trừ Thánh Kinh, Do-thái Giáo, và Cơ-đốc Giáo.

Trong thực tế, từ đông sang tây, nhân loại khắp nơi đều quen thuộc với việc chia thời gian thành tuần lễ bảy ngày. Khoảng 4000 năm trước, thời Nô-ê sau cơn nước lụt, nền văn minh Ba-bi-lôn đã dùng hệ thống tuần lễ bảy ngày. Sau đó khoảng 1500 năm, vào thời của Phật Thích Ca, thì nền văn minh của Ấn Độ cũng bắt đầu tạo ra một hệ thống lịch, dùng đơn vị tuần lễ bảy ngày. Cách nay khoảng 1400 năm, nền văn minh cổ của Ba-bi-lôn truyền đến Trung Quốc đem theo hệ thống tuần lễ bảy ngày, rồi từ Trung Quốc lan truyền qua Tây Tạng, Đại Hàn, Nhật Bản, và Việt Nam. Có một điểm đặc biệt là người Ba-bi-lôn dùng tên của mặt trời, mặt trăng và năm hành tinh khác là: Kim (Venus), Mộc (Jupiter), Thủy (Mercury), Hỏa (Mars), Thổ (Saturn) để đặt tên cho các ngày trong tuần, trong khi người Trung Quốc và người Việt thì đặt tên theo thứ tự số đếm. Vào thế kỷ thứ 18, người Pháp làm một cuộc cách mạng về lịch, dùng hệ thống tuần lễ 10 ngày. Tuy nhiên, sau 12 năm sử dụng loại lịch mới đó (1793-1805), người Pháp cũng đã trở lại với hệ thống tuần lễ bảy ngày, bởi vì người ta không thể làm việc chín ngày mới có một ngày nghỉ!

Căn cứ theo Thánh Kinh, thì hệ thống tuần lễ bảy ngày do chính Thiên Chúa thiết lập và đã có ít nhất là khoảng 6000 năm nay, từ buổi đầu của sự sáng tạo vũ trụ, và ngay từ trang sử đầu tiên của lịch sử loài người. Sách đầu tiên của Thánh Kinh ghi lại công cuộc sáng tạo trời đất của Thiên Chúa với lời kết luận sau đây:

Sáng Thế Ký 2:1-4

1 Và như vậy, các tầng trời và đất, cùng muôn vật đã được hoàn tất.

2 Ngày Thứ Bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành các công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Và trong ngày Thứ Bảy, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm.

3 Rồi, Ngài ban phước cho ngày Thứ Bảy, thánh hóa nó; vì trong ngày đó, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài, những việc mà Thiên Chúa đã sáng tạo và đã làm. [Thánh hóa có nghĩa là làm cho tinh sạch hoặc giữ cho tinh sạch và biệt riêng ra cho Thiên Chúa.]

4 Ấy là về nguồn gốc của các tầng trời và đất khi chúng được sáng tạo, trong ngày Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu làm ra đất và các tầng trời.

I. Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Sa-bát

Theo nguyên tác Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, chữ “ngày nghỉ” trong điều răn thứ tư là “ngày Sa-bát”, và Sa-bát có nghĩa là ngưng làm việc, ngưng lao động. Sa-bát không có nghĩa là nghỉ ngơi để lấy sức như vẫn thường bị lầm tưởng, mà chỉ đơn giản có nghĩa là ngưng làm việc, ngưng làm một điều gì đó vì đã hoàn tất hoặc vì không muốn tiếp tục làm. Khi được hiểu đúng nghĩa như vậy, thì sẽ không gây ra sự thắc mắc là tại sao Thiên Chúa lại cần phải nghỉ ngơi để lấy sức!

Sáng Thế Ký 2:3 và Xuất Ê-díp-tô Ký 20:11 cho chúng ta biết Thiên Chúa “ban phước cho ngày Thứ Bảy, thánh hóa nó” cho nên ngày Sa-bát, hay ngày nghỉ chính là ngày Thứ Bảy trong tuần lễ. Đức Chúa Jesus cho biết “Ngày Sa-bát đã được làm nên vì loài người, không phải loài người được làm nên vì ngày Sa-bát.” (Mác 2:27).

Như vậy, chúng ta có thể kết luận như sau: Ngày Sa-bát được chính Thiên Chúa dựng nên trong công trình sáng tạo trời đất. Ngày Sa-bát được thiết lập trước khi điều răn và luật pháp được ban hành. Ngày Sa-bát là ngày Thứ Bảy trong tuần lễ. Ngày Sa-bát được Thiên Chúa ban phước và đặt làm ngày thánh, tức là một ngày biệt riêng ra. Ngày Sa-bát có nghĩa là ngày nghỉ làm việc. Ngày Sa-bát được dựng nên vì loài người, cũng như trời đất và muôn vật được dựng nên vì loài người.

Xét về ý nghĩa thuộc linh, ngày Sa-bát là hình ảnh của sự yên nghỉ đời đời trong Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 4:1-11). Khải Huyền 14:13 nói đến sự yên nghỉ của những người chết trong Chúa.

II. Mối tương quan giữa ngày Sa-bát và Mười Điều Răn

Thánh Kinh ghi chép lại Mười Điều Răn Đức Chúa Trời ban truyền cho dân I-sơ-ra-ên. Mười Điều Răn đó là giao ước giữa Đức Chúa Trời với dân I-sơ-ra-ên:

“Ông đã ở đó với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu bốn mươi ngày và bốn mươi đêm. Ông không ăn bánh, cũng không uống nước. Ngài đã chép trên các bảng đá các lời giao ước, tức là Mười Lời.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28).

Điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn là:

“Hãy nhớ đến ngày Sa-bát để thánh hóa nó.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8).

Nếu xét tổng quát về nội dung và ý nghĩa  của Mười Điều Răn, chúng ta sẽ thấy ba điều răn đầu tiên nói đến bổn phận của loài người đối với Đức Chúa Trời, là Đấng tạo dựng nên họ và giải cứu họ. Sáu điều răn sau cùng nói đến bổn phận của loài người đối với nhau. Riêng điều răn thứ tư vừa là bổn phận của loài người đối với Đức Chúa Trời vừa là bổn phận của loài người đối với chính mình. Đối với Đức Chúa Trời, ngày Thứ Bảy được biệt riêng (làm ngày thánh) để loài người tương giao với Chúa và thờ phượng Ngài một cách đặc biệt. Đối với loài người, ngày Thứ Bảy họ được nghỉ làm việc, được tạm gác những sự khó nhọc trong đời sống lại để nhận lấy ơn phước đặc biệt Chúa ban trong sự gần gũi tương giao với Chúa, và với nhau. Vì thế cho nên Đức Chúa Jesus mới phán “vì loài người mà lập ngày Sa-bát” (Mác 2:27).

Điều quan trọng là, ngày Sa-bát đã được thiết lập từ buổi sáng thế, và khi Đức Chúa Trời kết giao ước với dân I-sơ-ra-ên thì Ngài biến sự giữ ngày Sa-bát thành một giao ước và một dấu hiệu để biệt riêng dân I-sơ-ra-ên với các dân khác:

“Ngươi hãy nói với con cháu của I-sơ-ra-ên rằng: Thật! Các ngươi sẽ giữ những ngày Sa-bát của Ta, vì đó là một dấu giữa Ta và các ngươi, trải qua các đời, để biết rằng, Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, thánh hóa các ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13).

III. Ngày Sa-bát và Cơ-đốc nhân

Xưa nay có nhiều cuộc tranh luận Thần học về việc Cơ-đốc nhân có cần giữ ngày Sa-bát hay không.

Quan điểm thứ nhất cho rằng Cơ-đốc nhân không cần phải giữ ngày Sa-bát vì Mười Điều Răn thuộc về giao ước cũ giữa Đức Chúa Trời và dân I-sơ-ra-ên. Những người bảo vệ quan điểm này dùng những câu Thánh Kinh sau đây để chứng minh con dân Chúa không còn bị luật pháp ràng buộc:

“Nhưng bây giờ chúng ta đã chết, đã thoát khỏi luật pháp, là sự mà chúng ta bị giam giữ trong đó, để chúng ta phục vụ trong sự mới mẻ của thần trí chứ không trong sự xưa cũ của văn tự.” (Rô-ma 7:6).

“Vì vậy, chớ để ai phán xét các anh chị em trong thức ăn hay trong thức uống, hoặc trong sự dự phần của một ngày lễ hội, hoặc của Lễ Trăng Mới, hoặc của những Sa-bát. [Những Sa-bát trong các kỳ lễ hội.]” (Cô-lô-se 2:16).

Quan điểm thứ hai cho rằng Cơ-đốc nhân vẫn phải giữ Mười Điều Răn trong đó có điều răn giữ ngày Sa-bát; không giữ ngày Sa-bát là vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời và là dấu hiệu của sự bội Đạo.

Chúng ta hãy dựa vào Lời Chúa là Thánh Kinh và sự soi dẫn của Đức Thánh Linh để tìm hiểu lẽ thật.

Đức Thánh Linh, qua tác giả của Thi Thiên 119, khẳng định các điều răn của Đức Chúa Trời là chân thật và còn đến đời đời:

“Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Ngài ở gần. Mọi điều răn của Ngài là chân thật. Từ những chứng cớ của Ngài, tôi đã biết từ lâu rằng, Ngài đã lập chúng cho đến vĩnh cửu.” (Thi Thiên 119:151-152).

Đức Chúa Jesus khẳng định luật pháp và điều răn của Đức Chúa Trời không hề thay đổi:

“Vì Ta phán với các ngươi, thật, cho tới khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét sẽ không qua đi khỏi luật pháp, cho tới khi mọi sự được trọn. Vậy, nếu ai bỏ đi một trong các điều cực nhỏ nào của các điều răn, và dạy người ta làm như vậy, thì người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn ai giữ và dạy các điều ấy, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.” (Ma-thi-ơ 5:18-19).

Đức Chúa Jesus phán rằng có nhiều người nghe theo truyền khẩu của loài người mà phạm điều răn của Đức Chúa Trời:

“Nhưng Ngài đáp lời và phán với họ: Sao các ngươi cũng phạm điều răn của Đức Chúa Trời bởi những lời truyền khẩu của các ngươi?” (Ma-thi-ơ 15:3).

Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô răn dạy Hội Thánh phải vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời cho đến ngày Đấng Christ hiện ra:

“Con hãy giữ điều răn cho không vết tích, không chỗ trách được, cho tới kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta…” (I Ti-mô-thê 6:14).

Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Giăng, cho biết lòng yêu mến Đức Chúa Trời của chúng ta thể hiện qua sự chúng ta vâng giữ điều răn của Ngài:

“Vì này là tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.” (I Giăng 5:3).

Như vậy, rõ ràng là Cơ-đốc nhân có bổn phận phải vâng giữ mọi điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời như đã chép trong Thánh Kinh. Thế thì, chúng ta hiểu làm sao về những câu Thánh Kinh trong Rô-ma 7:4-6 và Cô-lô-se 2:16? Thiết tưởng Ga-la-ti 5:4 sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề cho chúng ta:

“Đấng Christ trở thành vô ích cho bất cứ ai trong các anh chị em cậy luật pháp để được xưng công bình; các anh chị em bị mất ân điển.” (Ga-la-ti 5:4).

Phao-lô viết thư quở trách Hội Thánh Ga-la-ti không phải vì họ sống đời sống tốt đẹp, vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, nhưng ông quở trách họ vì họ cậy vào việc vâng giữ các điều răn của Chúa để được cứu rỗi! Nội dung chính của thư Ga-la-ti lên án việc nhờ cậy việc làm công đức để được cứu rỗi; nhưng trong đoạn năm, Phao-lô khuyên Hội Thánh Ga-la-ti phải bước theo thần trí, trừ bỏ các việc làm tội lỗi của xác thịt, nghĩa là phải sống theo điều răn của Đức Chúa Trời.

Rô-ma 7:4-6

4 Vậy nên, hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Các anh chị em cũng đã chết đối với luật pháp qua thân thể của Đấng Christ, để các anh chị em thuộc về người khác, là Đấng đã sống lại từ những kẻ chết, để chúng ta được kết quả cho Đức Chúa Trời.

5 Vì khi chúng ta ở trong xác thịt thì những sự thôi thúc của tội lỗi, bởi luật pháp, cứ tác động trong các chi thể của chúng ta mà kết quả cho sự chết.

6 Nhưng bây giờ chúng ta đã chết, đã thoát khỏi luật pháp, là sự mà chúng ta bị giam giữ trong đó, để chúng ta phục vụ trong sự mới mẻ của thần trí chứ không trong sự xưa cũ của văn tự.

Phân đoạn Rô-ma 7:4-6 nói đến việc Cơ-đốc nhân được thoát khỏi món nợ đã gây ra đối với luật pháp và điều răn của Đức Chúa Trời, nhưng không có nghĩa là luật pháp và điều răn không còn, vì “luật pháp là thánh, điều răn là thánh, công bình, và tốt lành” (Rô-ma 7:12). Một người bị luật pháp nhốt tù vì vi phạm luật pháp, khi được trả tự do vì có người khác tình nguyện gánh thay hình phạt, không có nghĩa là người ấy có quyền vi phạm luật pháp. Luật pháp vẫn còn đó, nhưng người ấy không còn bị chế tài bởi luật pháp, vì sự phạm pháp của người ấy đã có người gánh thế. Nếu người ấy lại phạm pháp, thì lập tức sẽ bị luật pháp chế tài. Sự tự do chúng ta có trong Chúa là sự thoát khỏi hình phạt của luật pháp và được ban cho thánh linh để chúng ta có thể vâng giữ điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời.

Cô-lô-se 2:16 khuyên Cơ-đốc nhân chớ để cho bất kỳ ai đoán xét mình về những nghi lễ của Do-thái Giáo, đặc biệt chớ để cho ai xét đoán mình về việc giữ những ngày Sa-bát trong các kỳ lễ hội thời Cựu Ước. Mặc dù con dân Chúa không cần phải giữ các ngày lễ hội trong Cựu Ước, vì bảy kỳ lễ hội đó làm hình bóng về những điều Đấng Christ sẽ làm cho con dân Chúa. Nhưng nếu có ai muốn giữ các kỳ lễ hội ấy cùng các ngày Sa-bát của chúng thì người ấy không cần quan tâm đến lời chỉ trích của bất cứ ai. Cô-lô-se 2:16 không nói về ngày Sa-bát Thứ Bảy. Tuy vậy, xét về việc vâng giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy thì Cơ-đốc nhân cũng chớ để ai phán xét, vì con dân Chúa phải vâng giữ ngày Sa-bát, nhưng vâng giữ theo đúng ý nghĩa Chúa dạy chứ không giữ theo lối hình thức và truyền khẩu của người Pha-ri-si. Đức Chúa Jesus là tấm gương sáng cho chúng ta về việc chớ để bất kỳ ai xét đoán chúng ta về việc giữ ngày Sa-bát theo tiêu chuẩn và luật lệ do loài người đặt ra.

Là tín đồ của Đấng Christ, chúng ta không bị ràng buộc phải làm một điều gì đó để được cứu rỗi, ngoại trừ thật lòng ăn năn tội và tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Một người thật sự ăn năn tội là một người dứt khoát không muốn sống trong tội, không muốn phạm tội. Khi chúng ta thật sự ăn năn tội và tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì Ngài tái sinh chúng ta. Tái sinh có nghĩa là Đức Chúa Trời tái tạo dựng chúng ta thành một tạo vật mới (II Cô-rinh-tô 5:17) bởi quyền năng của Đức Thánh Linh (Giăng 1:13; 3:5-6) và ban cho chúng ta thánh linh để chúng ta có thể sống một đời sống mới “vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài” (Phi-líp 2:13), bởi sự thêm sức của Ngài (Phi-líp 4:13). Vì thế, tín đồ của Đấng Christ không vâng giữ điều răn và luật pháp để được cứu rỗi, nhưng vâng giữ điều răn và luật pháp của Chúa vì đó là bản chất của một người được dựng nên mới trong Chúa. Một người chân thật yêu kính Chúa, sống cho Chúa sẽ luôn luôn vâng giữ tất cả những gì học được từ trong Lời Chúa, là Thánh Kinh.

Chúng ta không vâng giữ điều răn và luật pháp để được cứu, nhưng chúng ta được cứu để sống theo, để vui thỏa trong điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Đó cũng là ý nghĩa của câu phán: “Các ngươi đừng tưởng rằng, Ta đến để phá bỏ luật pháp hay những lời tiên tri. Ta không đến để phá bỏ, nhưng để làm trọn.” (Ma-thi-ơ 5:17).

Chúng ta cũng cần biết thêm là, Tiên Tri Ê-sai và Tiên Tri Ê-xê-chi-ên đã tiên tri trước trong một ngàn năm bình an, ngày Sa-bát và các nghi thức tế lễ sẽ được tái lập. Và, dân sự trên đất, không riêng gì dân I-sơ-ra-ên, sẽ thờ phượng Chúa trong những ngày Sa-bát:

“Sẽ xảy ra thường xuyên từ ngày trăng mới đến ngày trăng mới và thường xuyên từ ngày Sa-bát đến ngày Sa-bát, mọi xác thịt sẽ đến thờ phượng trước mặt Ta. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán.” (Ê-sai 66:23).

“Và dân sự của đất, họ sẽ thờ phượng tại cửa của cổng ấy vào những ngày Sa-bát và vào những ngày trăng mới, trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Ê-xê-chi-ên 46:3).

IV. Nguyên tắc giữ ngày Sa-bát

– Ngày Sa-bát là ngày Thứ Bảy trong tuần (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:9-10).

– Mọi người và cả súc vật không làm việc trong ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10; Lê-vi Ký 23:3; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:14).

– Không mua bán trong ngày Sa-bát (Nê-hê-mi 10:31; 13:15-17).

– Không mang vác nặng trong ngày Sa-bát (Nê-hê-mi 13:19; Giê-rê-mi 17:21).

– Nhóm họp để thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát (Lê-vi Ký 23:3).

– Dâng hiến cho Chúa trong ngày Sa-bát (Dân Số Ký 28:9-10).

– Giảng Lời Chúa trong ngày Sa-bát (Lu-ca 4:31; 6:6; Công Vụ Các Sứ Đồ 13:14, 15, 44; 17:2; 18:4).

– Đọc Lời Chúa trong ngày Sa-bát (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:27; 15:21).

– Làm việc lành trong ngày Sa-bát (Ma-thi-ơ 12:12; Lu-ca 13:16; Giăng 9:14).

– Được phép giải quyết những nhu cầu thiết thực như ăn uống, bảo vệ tài sản trong lúc cấp bách (Ma-thi-ơ 12:1; Lu-ca 13:15; 14:1).

V. Phước hạnh của sự giữ ngày Sa-bát

Ê-sai 56:1-7

1 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Hãy giữ điều chính trực, và làm sự công bình; vì sự cứu rỗi của Ta gần đến, sự công bình của Ta sắp được bày tỏ.

2 Phước cho người nào làm điều đó, và con người cầm vững, giữ ngày Sa-bát, không làm ô uế nó, giữ tay mình không làm một điều ác nào!

3 Con của người dân ngoại kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chớ nên nói rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chắc sẽ biệt ta ra khỏi dân Ngài. Kẻ hoạn cũng chớ nên nói rằng: Này, ta là cây khô.

4 Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Những kẻ hoạn giữ các ngày Sa-bát Ta, lựa điều đẹp lòng Ta, cầm vững lời giao ước Ta,

5 thì Ta sẽ ban cho họ tại trong nhà Ta và trong tường Ta một chỗ, và một danh tốt hơn danh của con trai con gái; Ta lại sẽ ban cho họ một danh đời đời chẳng hề dứt đi.

6 Các con của người dân ngoại kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để phụng sự Ngài, để yêu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm các tôi tớ của Ngài, là tất cả những người giữ ngày Sa-bát không làm ô uế nó, và giữ lời giao ước của Ta,

7 thì Ta sẽ đem họ đến núi thánh của Ta, và làm cho họ được vui mừng trong nhà cầu nguyện của Ta. Các của lễ thiêu và các sinh tế của họ sẽ được nhận lấy trên bàn thờ của Ta; vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.

“Nếu ngươi ngừa giữ chân mình trong ngày Sa-bát, không làm theo ý riêng mình trong ngày thánh của Ta; nếu ngươi xưng ngày Sa-bát là ngày vui thích, coi ngày thánh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là đáng kính; nếu ngươi tôn trọng ngày đó, không đi đường riêng mình, không theo ý riêng mình, và không nói lời riêng mình. Bấy giờ, ngươi sẽ vui thỏa trong Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và Ta sẽ làm cho ngươi cưỡi lên các nơi cao trên đất, và lấy sản nghiệp của Gia-cốp, tổ phụ ngươi, mà nuôi ngươi; vì miệng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán vậy.” (Ê-sai 58:13-14).

Kết luận

Cơ-đốc nhân không giữ ngày Sa-bát hay các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời để được sự cứu rỗi, nhưng Cơ-đốc nhân giữ ngày Sa-bát cùng các điều răn và luật pháp của Chúa vì yêu mến Chúa, hiểu biết Lời Chúa, vâng theo ý Chúa. Không giữ ngày Sa-bát có thể không khiến cho một người mất đi sự cứu rỗi, nhưng chắc chắn là người đó sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng:

“Vì Ta phán với các ngươi, thật, cho tới khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét sẽ không qua đi khỏi luật pháp, cho tới khi mọi sự được trọn. Vậy, nếu ai bỏ đi một trong các điều cực nhỏ nào của các điều răn, và dạy người ta làm như vậy, thì người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn ai giữ và dạy các điều ấy, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.” (Ma-thi-ơ 5:18-19).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

01/04/2007