Khải Huyền 1:1-3 – Mạc Khải Cuối Cùng

3,514 views

Nhấp vào nút play ► để nghe

I. Tác giả sách Khải Huyền

1. Tác giả: Đức Chúa Trời.

2. Sứ giả truyền đạt: Thiên sứ của Đức Chúa Jesus Christ.

3. Người ghi chép: Sứ Đồ Giăng, một trong các tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, là người đã làm chứng về Lời của Đức Chúa Trời và về chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ trong sách Tin Lành Giăng.

II. Nguyên nhân và mục đích của sách Khải Huyền

1. Mạc khải đến từ Đức Chúa Trời: “Sự mạc khải của Đức Jesus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài…” (c. 1). Sự mạc khải được ghi lại trong sách Khải Huyền đến từ Đức Chúa Trời Ngôi Cha, và được bày tỏ bởi Đức Chúa Jesus Christ, là Đức Chúa Trời Ngôi Con. Sự mạc khải đó sẽ được thành toàn bởi Đức Chúa Trời Ngôi Thánh Linh, và kết quả của nó sẽ được bảo tồn bởi Ngài.

2. Mạc khải được ban cho các tôi tớ của Đấng Christ: “đặng tỏ ra cho các tôi tớ Ngài.” (c. 1) Đối tượng đón nhận sự mạc khải này là những tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ. Tất cả những ai tin nhận Đức Chúa Jesus Christ đều được “quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:1:12) nhưng trong số các “con cái của Đức Chúa Trời” chỉ có một số người được Ngài kêu gọi làm “tôi tớ;” (xin xem Rô-ma 1:1; Phi-líp 1:1; Tít 1:1; Gia-cơ 1:1; II Phi-e-rơ 1:1; và Giu-đe 1:1). Theo các dẫn chứng của Thánh Kinh, chúng ta có thể hiểu danh từ “tôi tớ của Đức Chúa Trời” hoặc “tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ” trong thời đại Ân Điển dùng để chỉ những ai được biệt riêng làm công tác loan truyền Tin Lành, giảng dạy Lời Chúa, hoặc chăn bầy của Ngài.

Xét theo nghĩa rộng thực dụng, mỗi một con dân Chúa là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, (Khải Huyền 1:6), được kêu gọi đi khắp thế gian để giảng Tin Lành, (Ma-thi-ơ 20:19, 20; Mác 16:15), cho nên, bất kỳ ai đáp lại lời kêu gọi đó đều là tôi tớ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ. Trách nhiệm của các tôi tớ Chúa là loan truyền Lời Chúa cho muôn dân và giảng dạy Lời Chúa cho bầy của Ngài nên mạc khải được tỏ ra cho họ. Ngày nay, hơn bao giờ hết, các tôi tớ Chúa sẽ thiếu sót và phạm tội nếu không tích cực giảng và dạy những lời tiên tri trong sách Khải Huyền, “vì thì giờ đã gần!”

3. Nội dung của sự mạc khải: “về những điều sắp phải xảy đến” (c. 1). Sự mạc khải được tỏ ra cho các tôi tớ của Chúa để họ biết trước những điều sắp phải xảy đến. Xin để ý đến chữ “sắp” và chữ “phải”. Khải Huyền 1:19 sẽ giải thích cho chữ “sắp” còn chữ “phải” nói lên sự chắc chắn ứng nghiệm của những lời tiên tri này. Khi đọc tiếp phần còn lại của sách Khải Huyền, chúng ta sẽ thấy những điều sắp phải xảy đến đó, sẽ xảy ra trong thế giới vật chất thuộc về thế gian, trên thiên đàng, và dưới hỏa ngục! Những điều sắp phải xảy đến đó, sẽ là câu trả lời tối hậu cho những ai thắc mắc “tại sao tội lỗi, bạo quyền, đau khổ, chiến tranh, dịch lệ, đói kém, thiên tai, chết chóc… xảy ra trong thế giới?” và “nếu có một Đức Chúa Trời thì Ngài đang ở đâu trước những nan đề của nhân loại?” Sự mạc khải trong sách Khải Huyền còn là mở đầu cho bản “khải hoàn ca” đời đời của mọi thánh đồ (Khải Huyền 21; 22:1-5).

4. Sự mạc khải mang phước hạnh đến cho những ai đọc, những ai nghe, và giữ những điều được mạc khải: “Phước cho người đọc cùng những ai nghe các lời tiên tri này, và giữ gìn những điều đã chép trong đó, vì thì giờ đã gần!” (c. 3)

Có hai thành phần được phước:

a) Người đọc: Có hai cách để giải thích về từ ngữ “người đọc.” Thuở xưa, những lời tiên tri này được ghi lại và sao chép bằng tay. Có thể lắm, Giăng đã gửi cho mỗi Hội Thánh của vùng Tiểu Á một bản sao. Khi Hội Thánh nhận được các lời tiên tri thì người giữ việc đọc Lời Chúa (một chức vụ trong các Hội Thánh thuở ban đầu) sẽ tuyên đọc trước Hội Thánh. Như vậy, “người đọc” được phước ở đây là người đọc các lời tiên tri trong Khải Huyền cho Hội Thánh nghe. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, những ai phổ biến, rao giảng những lời tiên tri trong Khải Huyền sẽ được phước!

Cách giải thích thứ hai, dựa trên ý nghĩa và cách dùng của động từ “đọc” trong nguyên tác, cho rằng bất cứ ai đọc các lời tiên tri này, cách cá nhân, đều được phước. Kinh nghiệm thực tế trong nếp sống đạo cho chúng ta thấy rằng, hễ ai có thành ý đọc Lời Chúa đều nhận được phước hạnh từ nơi Ngài, qua Lời của Ngài. Và, chỉ khi một người có lòng tìm đọc Lời Chúa, thì Đức Thánh Linh mới có cơ hội để ban phước cho người ấy qua sự tuôn đổ khôn ngoan thiên thượng để người ấy hiểu điều mình đọc.

b) Người nghe và giữ gìn những điều đã chép: Thành phần được phước thứ hai là những ai nghe và giữ gìn những lời tiên tri được ghi lại trong Khải Huyền. Lời Chúa nói rõ: chỉ những ai nghe và giữ gìn những lời tiên tri này mới được phước. Cũng có hai cách để giải thích về từ ngữ “nghe” và “giữ gìn”. Cách thứ nhất cho rằng chữ “nghe” ở đây chỉ về sự các tín đồ nghe đọc các lời tiên tri bởi người giữ việc đọc Lời Chúa trong Hội Thánh. Chữ “giữ gìn” có nghĩa là ghi nhớ trong trí những điều đã nghe đọc. Cách giải thích thứ hai cho rằng chữ “nghe” được dùng với nghĩa bóng là “tin theo, vâng theo, làm theo” (so sánh chữ nghe trong Giăng 10:3) chứ không phải nghe âm thanh mà thôi. Như vậy, “nghe các lời tiên tri này” nghĩa là nhận thức những gì được bày tỏ, tin những điều đó sẽ xảy đến, và làm theo mọi khuyến cáo trong đó. Từ ngữ “giữ gìn” trong nguyên tác là tēreō có nghĩa là “canh giữ” được dùng để chỉ sự canh gác, trông chừng đừng để cho bị biến đổi mất phẩm chất hoặc bị thiệt hại, mất mát. Như vậy, những ai hiểu, tin, làm theo và giữ gìn sự trung thực của những lời tiên tri trong sách Khải Huyền trong khi loan truyền lại cho người khác sẽ được phước (Xem Khải Huyền 22:18-19).

Kết luận

Chúng tôi tin rằng, sách Khải Huyền là mạc khải cuối cùng của Đức Chúa Trời dành cho toàn thể nhân loại, và sách Khải Huyền hoàn tất Thánh Kinh. Sau sách Khải Huyền không còn một sự mạc khải nào của Đức Chúa Trời ban chung cho loài người. Chúng tôi không bác bỏ những mạc khải Đức Chúa Trời dành riêng cho từng cá nhân để chỉ thị, dạy dỗ hoặc làm vững đức tin của cá nhân ấy.

Ngày nay, có nhiều sách do những người tự xưng là hầu việc Chúa viết và được in ra để tuyên truyền các mạc khải về hoả ngục và thiên đàng, như là một hình thức bổ sung cho sách Khải Huyền. Tất cả những sách đó có nhiều điểm không phù hợp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Những mạc khải được ghi lại trong các sách đó, nếu có thực, thì chắc chắn không phải đến từ Đức Chúa Trời. Chính Chúa Jesus đã cảnh cáo trước rằng, trong những ngày cuối cùng sẽ có nhiều kẻ giả mạo Đấng Christ và nhiều tiên tri giả sẽ dấy lên, làm nhiều phép lạ để lường gạt thiên hạ và thậm chí lường gạt ngay cả các tín đồ thật của Chúa (Ma-thi-ơ 7:15; 24:23). Chúng ta không cần bất cứ một mạc khải nào khác về thiên đàng và địa ngục ngoài những mạc khải đã được ghi lại trong Thánh Kinh.

Chúng ta, những thánh đồ của Chúa, cần ghi nhớ ý nghĩa của điều Chúa dạy trong Khải Huyền 1:3 – “đọc, nghe, và giữ gìn những điều đã chép trong sách Khải Huyền.” Riêng những thánh đồ đáp ơn kêu gọi, đứng vào chức vụ rao giảng và dạy dỗ Lời Chúa, cần phải rao giảng và dạy dỗ những lời tiên tri trong Khải Huyền một cách cấp bách và quyết chắc như tính cấp bách và chung cuộc của sự mạc khải!

Phước cho người đọc cùng những ai nghe các lời tiên tri này và giữ gìn những điều đã chép trong đó, vì thì giờ đã gần! (Khải Huyền 1:3)

Huỳnh Christian Timothy
Ngày 07-09-2008