Mão Triều Thiên

8,783 views

Nhấp vào nút play  ►để nghe

Phần 1

Phần 2

Phần 3

 

Mão

Chữ mão dùng cho năm loại mão kể trên, (được dịch là crown trong tiếng Anh,) trong nguyên tác tiếng Hy-lạp của Thánh Kinh là στέφανος (stephanos), phát âm là /stef’-an-os/. Chữ này có nghĩa là:

1. Mũ lễ để tỏ ra người đội nó thuộc về hoàng gia hoặc vọng tộc (gia đình của vua hoặc gia đình có danh tiếng).

2. Mũ lễ để tỏ ra người đội nó nắm giữ quyền cai trị, như mão của vua, quan…

3. Vòng hoa danh dự đội trên đầu được ban thưởng cho những người thắng giải trong các cuộc tranh tài thể thao hoặc những công dân lập thành tích xuất sắc trong khi thi hành bổn phận.

Cả ba ý nghĩa này đều có thể áp dụng cho năm loại mão Chúa ban cho con dân của Chúa. Người đội mão tỏ ra mình là con cái của Đức Chúa Trời, tức là thuộc về hoàng gia, vọng tộc của Đức Chúa Trời, được đồng trị với Đấng Christ, được khen thưởng vì những công khó đã lập nên trong lúc còn ở trong thân thể xác thịt. Đức Chúa Trời là Đấng giàu có vô hạn cho nên sự ban thưởng của Ngài cũng là vô hạn. Ngoài sự sống đời đời ban cho những ai tin nhận Đấng Christ, Đức Chúa Trời còn có những phần thưởng để thưởng cho mỗi người tùy theo công việc họ làm. Như vậy, năm loại mão nói trên tức là những phần thưởng phước hạnh đời đời do Đức Chúa Trời ban cho những con dân ngay lành và trung tín của Ngài.

Chúng ta không biết năm loại mão trên đây có hình thức như thế nào nhưng dựa vào một số ghi chép trong Thánh Kinh về mão trong Nước Trời chúng ta có thể cho rằng những loại mão này được làm bằng vàng:

“Chung quanh ngôi lại có hai mươi bốn ngôi; trên những ngôi ấy tôi thấy hai mươi bốn trưởng lão ngồi, mặc áo trắng và đầu đội mão triều thiên vàng.” (Khải Huyền 4:4)

“Tôi nhìn xem, thấy một đám mây trắng; có kẻ giống như một con người ngồi trên mây, đầu đội mão triều thiên vàng, tay cầm lưỡi liềm bén.” (Khải Huyền 14:14)

Vàng là kim loại quý hiếm, được dùng làm các vật dụng trong đền thờ Đức Chúa Trời: lư hương bằng vàng, hòm giao ước bọc bằng vàng, bình đựng ma-na bằng vàng (Hê-bơ-rơ 9:4). Thành Giê-ru-sa-lem trên trời có tường bằng vàng ròng và đường đi cũng được lát bằng vàng ròng (Khải Huyền 21:18, 21). Vàng còn được dùng làm biểu tượng cho phẩm chất quý giá và chân thật của thành quả trong sự phục vụ Chúa của chúng ta (I Cô-rinh-tô 3:12). Nếu việc làm của chúng ta được Chúa ví như vàng thì phần thưởng cho việc làm đó là mão làm bằng vàng là điều hợp lý.

Mão Của Sự Sống

“Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài.”

(Gia-cơ 1:12)

“Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ. Nầy, ma quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử thách; các ngươi sẽ bị hoạn nạn trong mười ngày. Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mão triều thiên của sự sống.”

(Khải Huyền 2:10)

Mão của sự sống khác với sự sống đời đời Chúa ban cho bất kỳ người nào tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Tất cả những người được vào Nước Trời đều có sự sống đời đời mà không cần phải làm gì hết ngoại trừ tin nhận Đấng Christ, nghĩa là thật lòng từ bỏ tội và tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua cái chết của Đấng Christ trên thập tự giá. Nhưng để có mão của sự sống thì một người phải “chịu nổi sự thử thách” nghĩa là phải “giữ trung tín cho đến chết.” Sự sống đời đời là ân điển, tức là ơn thương xót của Đức Chúa Trời ban cho những ai tin nhận Đấng Christ. Mão của sự sống là phần thưởng của Đức Chúa Trời ban cho những ai trung tín giữ vững đức tin trong mọi nghịch cảnh, mọi thử thách. Muốn nhận được mão sự sống một người phải chịu khổ vì danh Chúa đến nỗi sẵn sàng hy sinh mọi phương tiện sống và chính mạng sống của mình.

Sự sống đời đời trở thành nội tại tính của người tin nhận Đấng Christ nhưng mão của sự sống trở thành ngoại tại tính của người trung tín với Chúa trong mọi sự thử thách. Phải chăng, những người được Chúa ban cho mão của sự sống là những người được ban cho sự hiểu biết những mầu nhiệm của sự sống và được đồng trị với Đấng Christ về phương diện điều hành các nguyên tắc bí ẩn của sự sống?

Mão Của Sự Không Hay Hư Nát

“Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát.”

(I Cô-rinh-tô 9:25)

Trong nền văn hóa La-mã và Hy-lạp, những người thắng giải trong các cuộc giác đấu hoặc các cuộc thi tài về thể thao hoặc những công dân có hành động dũng cảm, liều mình cứu sống một công dân khác, được tặng cho một mão hoa là loại mão kết bằng lá và hoa (thường là lá ô-li-ve, lá nguyệt quế, hoặc lá thông). Những mão này dĩ nhiên là héo úa, phai tàn theo thời gian. Thế nhưng, những người tranh tài thể thao đã phải bỏ nhiều công sức tập luyện lâu dài, chịu nhiều sự kiêng cữ để có thể nắm phần chiến thắng; những người liều mình cứu giúp người khác đương nhiên chấp nhận sự nguy hiểm cho chính mạng sống của mình.

Trong Chúa, những người “tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình” (Lu-ca 9:23; Ma-thi-ơ 16:24; Mác 8:34) đi theo Chúa, những người vì Danh Chúa mà “chịu khổ như một người lính giỏi” (II Ti-mô-thê 2:3), những người không còn yêu thế gian và những sự thuộc về thế gian (I Giăng 2:15) nhưng yêu những sự ở trên trời (Cô-lô-se 3:1, 2), là những người sẽ nhận lãnh mão của sự không hay hư nát. Trong cõi đời đời, đương nhiên tất cả mọi sự đều là không hay hư nát. Phải chăng, những người được Chúa ban cho mão của sự không hay hư nát là những người được ban cho sự hiểu biết về huyền nhiệm của sự vĩnh cửu và được đồng trị với Đấng Christ về phương diện điều hành các nguyên tắc bí ẩn của sự vĩnh cửu?

Mão Của Sự Công Bình

“Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài.”

(II Ti-mô-thê 4:8)

Công bình là thuộc tính của Đức Chúa Trời. Sự công bình đi đôi với sự phán xét. Tất cả muôn loài thọ tạo đều phải ứng hầu trước mặt Đức Chúa Trời để chịu sự phán xét bởi Ngài. Tuy nhiên, hễ ai tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ thì được Ngài kể là người công bình. Người được Chúa kể là công bình thì không còn bị phán xét về tội lỗi (Rô-ma 8:1). Chẳng những vậy, Đức Chúa Trời ban cho con dân của Ngài quyền phán xét các thiên sứ và thế gian, tức là phán xét những thiên sứ phạm tội và những người không tin nhận sự cứu rỗi của Ngài:

“Anh em há chẳng biết các thánh đồ sẽ xét đoán thế gian sao? Ví bằng thế gian sẽ bị anh em xét đoán, thì anh em há chẳng đáng xét đoán việc nhỏ mọn hơn sao? Anh em chẳng biết chúng ta sẽ xét đoán các thiên sứ sao? Huống chi việc đời nầy!” (I Cô-rinh-tô 6:2, 3)

Phải chăng quyền phán xét ấy được thể hiện qua mão của sự công bình, là mão Chúa ban cho những người “đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin” (II Ti-mô-thê 4:7) tức là những người yêu mến sự hiện đến của Đấng Christ? Lời Chúa dạy: “chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật” (I Giăng 3:18) cho nên ai yêu mến sự hiện đến của Chúa thì phải tỏ ra bằng việc làm và lẽ thật. Việc làm và lẽ thật của người yêu mến Chúa là:

1. Đánh trận cùng ma quỷ và thắng trận tốt lành:

“Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy” (Ê-phê-sô 6:12)

2. Hoàn tất cuộc chạy thuộc linh: nghĩa là tận dụng thời gian để sống cho Chúa, sống vì Chúa, sống phục vụ Chúa:

“Nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Phi-líp 3:14)

3. Giữ vững đức tin (II Ti-mô-thê 4:7)

Mão Của Sự Vui Mừng

“For what is our hope, or joy, or crown of rejoicing? Are not even ye in the presence of our Lord Jesus Christ at his coming?”

“Vì sự trông cậy, vui mừng và mão của sự vui mừng chúng tôi là gì, há chẳng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta trong khi Ngài đến sao?”

(I Tê-sa-lô-ni-ca 2:19)

Trong bản dịch Việt ngữ của Phan Khôi, câu Thánh Kinh trên được dịch là: “Vì sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của chúng tôi là gì, há chẳng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus chúng ta trong khi Ngài đến sao?” Trong nguyên tác của Thánh Kinh không phải là “mão triều thiên vinh hiển” mà là “mão của sự vui mừng.” Phân tích câu này chúng ta nhận thấy có những điểm sau đây:

1. Phao-lô là người rao giảng Tin Lành và ông xưng nhận rằng khi Đấng Christ đến mà những người đã nhận biết Chúa qua sự giảng dạy của ông vẫn đứng vững trong đức tin thì chính sự kiện đó là niềm hy vọng, là nỗi vui mừng của những người hầu việc Chúa như ông.

2. Chẳng những người hầu việc Chúa vui mừng khi thấy người nghe đạo đứng vững trong đức tin mà trong ngày Chúa đến người hầu việc Chúa còn được nhận lãnh mão của sự vui mừng.

Phải chăng mão của sự vui mừng là sự thông hiểu về niềm vui của chính Đức Chúa Trời khi có một tội nhân ăn năn tội và quyền đồng trị với Đấng Christ về phương diện điều hành các nguyên tắc thể hiện sự vui mừng trong cõi đời đời? Bên cạnh sự ban thưởng mão của sự vui mừng, “những kẻ dắt đem nhiều người về sự công bình sẽ sáng láng như các ngôi sao đời đời mãi mãi.” (Đa-ni-ên 12:3)

Mão Của Sự Vinh Hiển

“Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy. Khi Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên hiện ra, anh em sẽ được mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo.”

(I Phi-e-rơ 5:2-4)

Sứ đồ Phi-e-rơ là người đầu tiên được Chúa giao cho nhiệm vụ chăn giữ chiên của Ngài (Giăng 21:15, 16, 17) cho nên không lạ gì khi ông viết về sự ban thưởng dành cho những người trung tín trong chức vụ chăn bầy. Trong Hội Thánh thuở ban đầu, các Hội Thánh địa phương được chăm sóc bởi các trưởng lão là những người tin kính Chúa và hội đủ những tiêu chuẩn được ghi rõ trong I Ti-mô-thê 3:1-7.

“Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội Thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28)

Người mang thiên chức chăn bầy không nhất thiết phải là các trưởng lão trong Hội Thánh mà còn là người cha, người chồng trong gia đình chăm sóc vợ con; người bà, người mẹ chăm sóc con cháu mồ côi cha; người anh, người chị chăm sóc bầy em; và người chăm sóc những người yếu kém đức tin hơn mình trong Hội Thánh.

Mão vinh hiển của người chăn bầy có lẽ là mão cao trọng nhất vì phải chăng người được ban thưởng mão vinh hiển là người thấu hiểu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời tức là sự chiếu sáng của thuộc tính Ngài: Tình Yêu, Thánh Khiết, và Công Chính? Và phải chăng, những người được ban cho mão vinh hiển đồng trị với Chúa trong việc ban phát sự vinh hiển từ Đức Chúa Trời cho những người được cứu?

Thánh Kinh ghi rõ mức độ sự vinh hiển của mọi vật khác nhau như sau:

“Lại cũng có hình thể thuộc về trời, hình thể thuộc về đất, nhưng vinh quang của hình thể thuộc về trời với vinh quang của hình thể thuộc về đất thì khác nhau. Vinh quang của mặt trời khác, vinh quang của mặt trăng khác, vinh quang của ngôi sao khác; vinh quang của ngôi sao nầy với vinh quang của ngôi sao kia cũng khác.” (I Cô-rinh-tô 15:40, 41)

Vì thế, chúng ta có thể tin rằng sự vinh hiển của mỗi người trong Nước Trời sẽ khác nhau, tùy thuộc vào lòng yêu kính, vâng phục Chúa, và thành quả của công tác hầu việc Chúa của mỗi người trong lúc còn sống trong xác thịt này.

Những người chăn tận tụy, trung tín với thiên chức phải chịu nhiều thử thách, tủi nhục, thiệt thòi… lại còn phải nêu gương sáng trong nếp sống đạo cho bầy chiên thì thật là xứng đáng để đón nhận phần thưởng cao nhất.

Kết luận

Có sự sống khác với có hiểu biết về sự sống và được nắm quyền cai trị sự sống. Được sống đời đời khác với có hiểu biết về sự đời đời và được nắm quyền cai trị sự đời đời. Được đối xử công bình khác với có sự hiểu biết về luật pháp và được nắm quyền phán xét theo luật pháp. Có niềm vui khác với sự hiểu biết nỗi vui mừng của Đức Chúa Trời và được nắm giữ các nguyên tắc biểu hiện sự vui mừng. Có vinh hiển khác với có sự hiểu biết về sự vinh hiển và được nắm giữ các nguyên tắc thể hiện sự vinh hiển. Nói một cách cụ thể, những điều ấy cũng tương tự như có điện trong nhà để sử dụng khác với có sự hiểu biết về điện và nắm quyền điều hành các nguyên tắc phân phối điện, sử dụng điện.

Cảm tạ sự nhân từ thương xót của Chúa vì Ngài đã ban cho mỗi chúng ta có cơ hội để nhận sự ban thưởng của Ngài bằng cách đã sắm sẵn cho chúng ta việc lành để làm:

“Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” (Ê-phê-sô 2:10)

Lời Chúa phán rất tỏ tường rằng:

“Nầy, Ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với Ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.” (Khải Huyền 22:12)

Cho nên, chắc chắn rằng mỗi con dân của Chúa sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban cho tùy thuộc vào sự trung tín của mỗi người.

Huỳnh Christian Timothy
20/07/2008