Tác Động của Ân Điển

2,750 views

Nhấp vào nút play  ►để nghe

Ý nghĩa của ân điển

Trước hết, ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ cho mọi người. Ngày Đấng Christ treo thân trên thập tự giá và phán rằng: “Mọi sự đã được trọn!” là ngày mà ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho toàn thể nhân loại đã được bày tỏ cách trọn vẹn. Trọng tâm của ân điển đã được tuyên phán trong Giăng 3:16:

Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”

Ân điển của Đức Chúa Trời đối với thế gian đã thể hiện trong hành động ban cho Con Một của Ngài. Tất cả các bài giảng xưa nay gộp chung lại vẫn chưa thể giải bày hết ý nghĩa của sự ban cho này. Trong phạm vi bài này chúng ta sẽ chỉ bàn đến tác động của ân điển ấy trên những người tiếp nhận mà thôi.

Không bị hư mất” là điều thứ nhất ân điển của Đức Chúa Trời mang đến cho những ai tiếp nhận ân điển ấy. Toàn thể nhân loại bị hư mất vì “mọi người đều đã phạm tội” (Rô-ma 3:23). Bị hư mất là bị Đức Chúa Trời đoán phạt, bị cắt đứt sự tương giao với thế giới thuộc thể qua cái chết của thể xác và bị cắt đứt sự tương giao với Đức Chúa Trời qua cái chết thuộc linh. Nhờ Đức Chúa Jesus Christ chịu án phạt thay cho nhân loại trên thập tự giá mà những ai thật lòng ăn năn tội, nghĩa là thật lòng từ bỏ tội, và tin nhận Đức Chúa Jesus Christ thì được tái sinh. Người được tái sinh là người được dựng nên mới trong Đấng Christ về phần thuộc linh lẫn thuộc thể. Phần thuộc linh, bao gồm tâm thần và linh hồn được tái sinh ngay trong giây phút thật lòng ăn năn tội và tin nhận Chúa. Phần thuộc thể sẽ được tái sinh trong ngày Đấng Christ trở lại. Người được tái sinh là người “không bị hư mất.”

Điều thứ hai ân điển của Đức Chúa Trời mang đến cho những ai tiếp nhận ân điển ấy, là sự sống đời đời. Sự sống đời đời là sự sống của Đức Chúa trời. Sự sống đời đời bắt đầu tuôn chảy trong người tiếp nhận ân điển Chúa ngay giây phút người ấy được tái sinh. Mặc dù thân thể xác thịt đã hư hoại này sẽ qua đi, nhưng chính sự sống đời đời của Đức Chúa Trời sẽ làm cho thân xác vật chất của người tin Chúa được sống lại trong ngày Đấng Christ hiện ra và sẽ không bao giờ chết nữa.

Điều thứ ba là sự tác động thực tế của ân điển Chúa trên đời sống hiện tại của những người đã tiếp nhận ân điển ấy. Lời của Chúa được ghi chép trong Tít 2:11-14 giải thích rõ cho chúng ta biết sự tác động của ân điển Chúa trên những ai tiếp nhận ân điển của Ngài:

Vả, ân điển Đức Chúa Trời hay cứu mọi người, đã được bày tỏ ra rồi. Ân ấy dạy chúng ta chừa bỏ sự không tin kính và tình dục thế gian, phải sống ở đời nầy theo tiết độ, công bình, nhân đức, đương chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng liều mình vì chúng ta, để chuộc chúng ta khỏi mọi tội và làm cho sạch, đặng lấy chúng ta làm một dân thuộc riêng về Ngài, là dân có lòng sốt sắng về các việc lành.”

Tác động của ân điển

Ân điển của Chúa dạy cho người tin nhận Chúa nếp sống mới trong Chúa. Chữ “dạy” trong nguyên tác bao gồm những ý nghĩa sau đây: hướng dẫn, bẻ trách, và sửa trị. Ân điển của Chúa dùng Lời của Chúa là Thánh Kinh để dạy dỗ con dân Chúa và Đức Thánh Linh thi hành sự dạy dỗ ấy. Ân điển của Chúa dạy rằng, trong khi chúng ta đang chờ đợi “sự trông cậy phước hạnh” và “sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ” thì chúng ta cần:

  1. Chừa bỏ sự không tin kính: Chữ “không tin kính” trong nguyên tác có nghĩa là “sự dữ, sự ác.” Theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thì không thờ lạy Chúa, thờ lạy tà thần, và không vâng giữ Lời Chúa đều là sự dữ và sự ác. Chừa bỏ sự không tin kính có nghĩa là tôn thờ chỉ một mình Đức Chúa Trời và vâng giữ mọi điều Chúa phán dạy.

    Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh. Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người.” (I Cô-rinh-tô 12:4-6)

    Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.” (I Giăng 2:6)

  2. Chừa bỏ tình dục của thế gian: Chữ “tình dục của thế gian” trong nguyên tác là “sự ham muốn của thế gian.” Thánh Kinh ghi rõ:

    Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” (Rô-ma 12:2)

    Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra. Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” (I Giăng 2:15-17)

  3. Phải sống tiết độ, công bình, nhân đức: Chữ “tiết độ” trong nguyên tác có nghĩa là “tâm trí tỉnh táo.” Người có tâm trí tỉnh táo là người không bị cuốn hút vào sự say mê thế gian, là người tỉnh thức trông chờ ngày Chúa trở lại. Công bình là không áp bức người khác, không lạm dụng người khác, và luôn ăn năn, xưng tội với Chúa mỗi khi lầm lỡ. Nhân đức là sẵn lòng tha thứ, thương xót, và cứu giúp người khác, nhất là đem Tin Lành cứu rỗi đến cho người chưa được cứu.

Kết luận

Khi chúng ta thật sự tin kính Chúa, không còn yêu mến thế gian và những sự thuộc về thế gian thì đương nhiên quyền phép của Đức Chúa Trời sẽ thể hiện trong chúng ta. Sự tiết độ, công bình, và nhân đức là bông trái đương nhiên của nếp sống “ham mến những sự ở trên trời” (Cô-lô-se 3:2).

Những sự ở trên trời là: Vinh hiển của Đấng Christ, sự sống đời đời, quyền phép của Đức Chúa Trời, đều đã được ban cho chúng ta:

Con đã ban cho họ sự vinh hiển mà Cha đã ban cho Con!” (Giăng 17:22)

Chứng ấy tức là Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta, và sự sống ấy ở trong Con Ngài.” (I Giăng 5:11)

Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8)

Nếu chúng ta vẫn chưa chừa bỏ sự không tin kính, vẫn chưa chừa bỏ sự ham mến thế gian thì đương nhiên chúng ta không thể nào có nếp sống tiết độ, công bình, và nhân đức. Như thế, có nghĩa là chúng ta chưa thật sự tiếp nhận ân điển của Đức Chúa Trời, chưa được tái sinh, chưa có sự sống đời đời, chưa hề nhận được sự cứu rỗi, nghĩa là: Chúng ta vẫn còn bị hư mất!

Nguyện sự nhân từ và thương xót của Chúa khiến cho những ai vẫn còn đang bị hư mất nhanh chóng ăn năn tội và tiếp nhận ân điển của Ngài.

Huỳnh Christian Timothy
18/05/2008