Còn Các Ngươi Xưng Ta Là Ai?

2,915 views

Nhấp vào nút play ►để nghe

I. Danh xưng Jesus

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu về danh xưng Jesus [2]. Danh xưng Jesus trong nguyên tác tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Giải Cứu” hoặc “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Giải Cứu.” Đấng Tự Hữu Hằng Hữu tức là Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời được mạc khải trong Thánh Kinh. Giải cứu là giải cứu loài người ra khỏi tội lỗi và sự chết. Khi Con Một của Đức Chúa Trời nhập thế làm người Ngài lấy tên là Jesus bởi vì Ngài chính là Đức Chúa Trời nhập thế để giải cứu nhân loại. Danh xưng Jesus có thể được dịch thành: “Cứu Chúa” thu gọn từ ý nghĩa “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Giải Cứu.”

Như vậy, ngay trong danh xưng Jesus đã xác nhận thần tính của Đức Chúa Jesus, rằng: Ngài chính là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, là Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời. Điều khiến cho nhiều người thắc mắc là tại sao Đức Chúa Jesus là con Đức Chúa Trời mà cũng chính là Đức Chúa Trời. Chúng ta thật sự không thể nào hiểu rõ mầu nhiệm: “Ba Ngôi Hiệp Một Đức Chúa Trời” nhưng Thánh Kinh xác nhận chỉ có một Đức Chúa Trời thể hiện qua ba thân vị: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Đức Cha là Đức Chúa Trời, Đức Con là Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời. Điều đó cũng tương tự như tổ chức chính quyền của Hoa Kỳ: Chỉ có một Chính Quyền Hoa Kỳ nhưng Chính Quyền Hoa Kỳ được thể hiện qua ba ngành: Lập Pháp, Hành Pháp, và Tư Pháp. Tối Cao Pháp Viện là Chính Quyền Hoa Kỳ, Quốc Hội là Chính Quyền Hoa Kỳ, Tổng Thống và Nội Các là Chính Quyền Hoa Kỳ nhưng chỉ có một Chính Quyền Hoa Kỳ. Khi Tối Cao Pháp Viện đưa ra một phán quyết, đó là phán quyết của Chính Quyền Hoa Kỳ. Khi Quốc Hội ban hành một đạo luật, đó là sự ban hành luật pháp của Chính Quyền Hoa Kỳ. Khi Tổng Thống ký kết một văn kiện, đó là Chính Quyền Hoa Kỳ ký kết.

Chẳng những danh xưng Jesus xác nhận Đức Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời mà Thánh Kinh trong Giăng 1:1-14 cũng xác nhận rõ điều đó:

“Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.

Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.” (Giăng 1:1, 14)

Vì thế, Đức Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời nhập thế làm người để giải cứu nhân loại ra khỏi tội lỗi và sự chết. Vì thế, không thể có sự cứu rỗi trong bất kỳ ai khác:

“Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12)

Muốn được cứu rỗi, nghĩa là được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Trời làm cho sạch tội, được Đức Chúa Trời ban cho sự sống đời đời thì loài người phải đến với Đức Chúa Jesus vì Ngài chính là Đức Chúa Trời đã đến thế gian để cứu rỗi nhân loại.

II. Danh xưng Đấng Christ

Danh xưng Christ trong nguyên tác có nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu.” Thời Cựu Ước, hành động xức dầu là một nghi thức thừa nhận chức vụ của một người được Đức Chúa Trời chọn thi hành một chức vụ. Các chức vụ được xức dầu trong Cựu Ước là:

– Thầy tế lễ (Xuất Ê-díp tô Ký 29:7; 30:25, 30)

– Nhà vua (I Sa-mu-ên 10:1; II Sa-mu-ên 2:4; I Các Vua 1:34)

– Nhà Tiên tri (I các Vua 19:16)

Nghi thức xức dầu được tiến hành bằng cách đổ trên đầu và xoa trên người. Dầu để xức được bào chế bằng dầu ô-li-ve và các hương liệu theo chỉ thị của Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:6). Sự xức dầu mang ý nghĩa đó là người được Đức Chúa Trời chọn, được biệt riêng ra để hầu việc Đức Chúa Trời, và được ban cho năng lực của Đức Chúa Trời (I Sa-mu-ên 16:12, 13).

Mặc dù Thánh Kinh ghi lại có rất nhiều người được xức dầu để nhận các chức vụ do Đức Chúa Trời ban cho nhưng chỉ có một mình Đức Chúa Jesus được Thánh Kinh gọi là Christ, là Đấng Được Xức Dầu. Trong thực tế, Đức Chúa Jesus không hề trải qua nghi thức xức dầu như các thầy tế lễ, các nhà vua, hay các nhà tiên tri trong Cựu Ước. Sự xức dầu của Đức Chúa Jesus là sự đổ đầy Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể tin rằng nghi thức xức dầu của Đức Chúa Jesus được diễn ra khi Ngài vừa chịu lễ báp-tem xong:

“Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng.” (Ma-thi-ơ 3:16, 17)

“Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì rao truyền lời Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho Ngài không chừng mực.” (Giăng 3:34)

“Đức Chúa Trời đã xức cho Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét bằng Đức Thánh Linh và quyền phép, rồi Ngài đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước và chữa lành hết thảy những người bị ma quỉ ức hiếp; vì Đức Chúa Trời ở cùng Ngài.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38)

Đức Chúa Jesus được xức dầu để đảm nhận ba chức vụ:

– Nhà tiên tri: để giải bày Đức Chúa Cha cho nhân loại (Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:18; Giăng 1:18; 3:34; 17:8, 14).

– Thầy tế lễ: để dâng chính mạng sống Ngài làm sinh tế chuộc tội cho nhân loại và cầu thay cho con dân Chúa (Hê-bơ-rơ 2:17; 3:1; 4:14; 6:20; 7:25, 27; 9:11; I Giăng 2:1).

– Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:31; I Ti-mô-thê 6:15; Khải Huyền 1:5; 17:14; 19:16).

Danh xưng Christ, vì thế, là danh xưng rất quan trọng. Nếu Đức Chúa Jesus không phải là Đấng Christ, tức là Đấng được xức dầu thì Ngài không thể hoàn thành sứ mạng được Đức Chúa Cha giao phó. Ngài là Đức Chúa Trời nhưng là Đức Chúa Trời cam chịu giới hạn trong xác thịt của loài người. Là người, Đức Chúa Jesus là một người trọn vẹn không có tội nhưng cũng không có quyền năng để làm phép lạ, chữa bệnh, và đuổi quỷ nếu không được Đức Chúa Cha xức dầu, tức không được ban cho Thánh Linh và quyền phép. Nếu Đức Chúa Jesus không phải là Đấng Christ, tức là Đấng được xức dầu thì Ngài không thể đảm nhận và chu toàn các chức vụ: Tiên tri, Thầy tế lễ, và Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn Chúa.

Những ai tự ý xóa khỏi Thánh Kinh danh xưng Christ của Đức Chúa Jesus đã phạm tội cách nghiêm trọng và cần phải ăn năn. Những bản dịch Thánh Kinh không có danh xưng Christ của Đức Chúa Jesus cần phải được hủy bỏ. Đó là những bản dịch Thánh Kinh “Antichrist” vì chống nghịch danh xưng của Đấng Christ! Môn đồ chân chính của Đức Chúa Jesus Christ phải khước từ những bản dịch Thánh Kinh chống nghịch Đấng Christ.

III. Danh xưng Con Đức Chúa Trời Hằng Sống

Danh xưng “Con Đức Chúa Trời Hằng Sống” trong câu tuyên xưng của Phi-e-rơ khẳng định thần tính của Đức Chúa Jesus Christ. Là Con Đức Chúa Trời Hằng Sống có nghĩa Đức Chúa Jesus ra từ Đức Chúa Trời có một và thật, có cùng một bản thể với Đức Chúa Trời cho nên Ngài chính là Đức Chúa Trời. Điều này cũng tương tự như Ê-va ra từ A-đam, có cùng bản thể với A-đam cho nên Ê-va cũng chính là người như A-đam. Sự trở nên một thịt (tức là cùng một bản thể) của A-đam và Ê-va (Sáng Thế Ký 2:23, 24) giúp cho chúng ta hiểu được câu phán của Đức Chúa Jesus:

“Ta với Cha là một.” (Giăng 10:30)

Chính Đức Chúa Jesus cũng tự nhận Ngài là “Con Đức Chúa Trời:”

“Nếu luật pháp gọi những kẻ được lời Đức Chúa Trời phán đến là các thần, và nếu Kinh Thánh không thể bỏ được, thì Ta đây, là Đấng Cha đã biệt ra thánh, và sai xuống thế gian, nói: Ta là Con Đức Chúa Trời, cớ sao các ngươi cáo Ta là nói lộng ngôn?” (Giăng 10:35, 36)

Nếu Đức Chúa Jesus không phải là Con Đức Chúa Trời Hằng Sống thì Ngài không phải là Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Jesus không phải là Đức Chúa Trời thì Ngài không phải là Đấng Cứu Rỗi vì chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Rỗi! Chỉ có Đức Chúa Trời vô hạn mới có thể chết thay cho tất cả loài người hữu hạn.

Kết luận

Chúng ta có thể bắt chước Phi-e-rơ tuyên xưng: Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời Hằng Sống! nhưng chúng ta chỉ có thể thật sự hiểu biết ý nghĩa của lời tuyên xưng đó khi chúng ta thật sự từ bỏ tội, tin nhận và đầu phục Chúa cách trọn vẹn. Chỉ khi đó chúng ta mới được Đức Chúa Trời tái sinh và được Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật để trở nên giống như Đức Chúa Jesus (Rô-ma 8:29; Ga-la-ti 4:19). Khi đó, chúng ta không chỉ tuyên xưng Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời Hằng Sống bằng môi miệng mà còn bằng cả linh hồn qua nếp sống thánh khiết trong Chúa.

Tham Khảo 

[1]  http://www.bbc.co.uk/religion/religions/christianity/

[2] Greek: Ίησους (Iēsous), Hebrew:  יהושע (Yehoshua), Aramaic: ישוע (Yeshua).

Huỳnh Christian Timothy
17/03/2008