Christmas: Sự thật về Christmas

6,780 views
Christmas: Sự thật về Christmas
Huỳnh Christian Timothy
“Các ngươi bỏ đi điều răn của Đức Chúa Trời để giữ lời truyền khẩu của loài người.” (Mác 7:8a).
Dẫn nhập
Hàng năm, vào tháng 12, con dân Chúa khắp nơi tưng bừng tổ chức lễ Giáng Sinh. Giáng Sinh là nói tắt của “Chúa Giáng Sinh”. Khi nói đến hai chữ Giáng Sinh thì mọi người biết ngay là nói đến sự kiện Con Một của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Jesus Christ giáng thế, chịu sinh ra làm người để chết thay cho nhân loại tội lỗi. Nhờ sự chết thay của Đấng Christ mà Đức Chúa Trời tha tội và làm cho sạch tội những ai tin nhận sự chết thay của Ngài. Nhờ được tha tội, được làm cho sạch tội mà người tin nhận Chúa được ban cho quyền trở nên con cái của Đức Chúa Trời, được sự sống đời đời, và được hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12; 3:16; Khải Huyền 21:7). Ý nghĩa của sự kiện Chúa Giáng Sinh là như vậy.
Tuy nhiên, lễ kỷ niệm Mừng Chúa Giáng Sinh không được Thánh Kinh dạy bảo và cũng không được Hội Thánh lúc ban đầu tổ chức. Thậm chí, nhà Thần học Origen vào năm 245 đã bài bác sự kỷ niệm Mừng Chúa Giáng Sinh. Ông cho rằng Thánh Kinh chỉ đề cập đến sự ăn mừng sinh nhật của những kẻ có tội, như: Pha-ra-ôn và Hê-rốt (Sáng Thế Ký 40:20; Ma-thi-ơ 14:6). Theo Origen, thánh đồ của Chúa không nên ăn mừng sinh nhật [1]. Dù vậy, đến đầu thế kỷ thứ tư, lễ mừng sinh nhật Thần Mặt Trời của dân La-mã đã xâm nhập vào Giáo Hội Công Giáo, biến dạng thành Christmas và được giải thích là Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh. Christmas đã đem theo với nó tất cả những huyền thoại và nghi thức tế thần của ngoại giáo vào trong Hội Thánh. Theo dòng thời gian, càng ngày càng có nhiều huyền thoại và tập tục của ngoại giáo hội nhập vào Christmas. Cho đến nay, Christmas đương nhiên được công nhận là Lễ Mừng Sinh Nhật Chúa và đã trở thành một lễ lớn được nhiều giáo phái trong các Giáo Hội Công Giáo, Chính Thống, Cải Chánh, Tin Lành, và ngay cả Phật Giáo cũng tổ chức.
Thật ra, danh từ Christmas hoàn toàn không liên quan gì đến sinh nhật của Chúa và ngày 25 tháng 12 cũng không phải là ngày Chúa được sinh ra. Vậy, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sự thật về Christmas, với tấm lòng tìm kiếm chân lý để luôn luôn thờ phượng Chúa của chúng ta “trong thần trí và  trong lẽ thật” (Giăng 4:23-24).
Christmas và Merry Christmas
Thánh Kinh không hề ghi lại và cũng không ai biết chính xác sinh nhật của Đức Chúa Jesus. Dựa vào các chi tiết trong Thánh Kinh và sử liệu bên ngoài, các nhà nghiên cứu Thánh Kinh phỏng đoán Chúa được sinh ra vào đầu mùa thu (tháng 9) trong khoảng thời gian từ năm thứ 7 đến năm thứ 4 TCN. Trong suốt hơn hai trăm năm đầu Hội Thánh không hề biết đến Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, lại càng không biết đến cái gọi là Christmas! Vậy thì, Christmas là gì? đã thâm nhập Hội Thánh như thế nào? Hội Thánh nên có thái độ nào đối với Christmas?
Dựa vào các tài liệu về thế giới sử và lịch sử của Hội Thánh, chúng ta biết được các sự kiện sau đây:
  • Ngày 25 tháng 12 là lễ hội dân La-mã mừng sinh nhật Thần Mặt Trời, bao gồm Thần Mặt Trời (Sol) của dân La-mã, Thần Núi (Elah-Gabal) của dân A-si-ri, và Thần Công Lý (Mithras) của dân Ba-tư. Ngày lễ hội này được dân La-mã gọi là Lễ Mừng Sinh Nhật Mặt Trời Bất Khuất, (tiếng La-tinh: Natalis Solis Invicti – tiếng Anh: Birth of the Unconquered Sun) [2].
  • Vào năm 274, Hoàng Đế La-mã Aurelian quốc giáo hóa tín ngưỡng thờ Thần Mặt Trời của dân La-mã, xây dựng một đền thờ mặt trời vĩ đại tại kinh thành La-mã, và ra sắc lệnh cho toàn đế quốc kỷ niệm sinh nhật của Thần Mặt Trời vào ngày 25 tháng 12 [3].
  • Cùng vào thời khoảng nói trên, Hội Thánh tại La-mã biến lễ kỷ niệm sinh nhật của Thần Mặt Trời thành lễ kỷ niệm sinh nhật của Đức Chúa Jesus và gọi đó là “Lễ Sinh Nhật Đấng Christ” (Natalis Christi) [4], [5]. Một Cơ-đốc nhân đã viết để biện luận như sau: “Chúng ta giữ ngày này làm thánh, không giống như dân ngoại vì sự sinh ra của mặt trời, nhưng vì Đấng đã tạo dựng ra nó.” (We hold this day holy, not like the pagans because of the birth of the sun, but because of him who made it) [6].
  • Vào năm 350, Giáo Hoàng Julius I chỉ thị Giáo Hội Công Giáo phải tổ chức “Lễ Sinh Nhật Đấng Christ” vào ngày 25 tháng 12 hàng năm [7].
  • Vào năm 1038, không rõ vì nguyên cớ nào, “Lễ Sinh Nhật Đấng Christ” biến thành Christmas trong Anh ngữ [8] và cho đến nay, đã trở thành danh xưng quốc tế, khắp nơi trên thế giới gọi ngày 25 tháng 12 là Christmas. Ngoại trừ một số nước Hồi Giáo, các nước khác trên thế giới đều công nhận Christmas là ngày lễ chính thức của quốc gia.
Vì sao, lễ kỷ niệm sinh nhật của Chúa mà không gọi là “Christ’s Birthday” lại gọi là Christmas? Christmas viết tắt từ “Christ’s Mass”. Chữ “Mass” là danh từ người Công Giáo dùng gọi sự giết chết một nạn nhân để dâng lên Đức Chúa Trời. Như vậy, “Christmas” có nghĩa là “Sự Đấng Christ bị giết để dâng lên Đức Chúa Trời”. Trang 537 của bộ Bách Khoa Từ Điển Công Giáo (Catholic Encyclopedia) định nghĩa “Mass” như sau: “Trong luật pháp của Cơ-đốc, sự tế lễ tối cao là Mass. Hành động thờ phượng tối cao nhất thiết bao gồm sự dâng hiến một nạn nhân lên Đức Chúa Trời, sự dâng hiến được thực hiện bởi một người xứng đáng, như một thầy tế lễ, (và) sự hủy diệt của nạn nhân” [9]. Các linh mục Công Giáo cử hành “Mass” mỗi ngày để thờ phượng Đức Chúa Trời. Khi họ cử hành “Mass” là họ “hủy diệt Đấng Christ” để dâng lễ lên Đức Chúa Trời. Cho nên, người Công Giáo tin rằng sau khi linh mục đọc kinh thì bánh và rượu nho [10] biến thành thịt và máu thật của Chúa. Trong ý nghĩa đó, các linh mục Công Giáo “giết” Chúa Jesus mỗi ngày trên bàn thờ, sau đó ăn thịt “thật” và uống huyết “thật” của Chúa, phần còn dư lại thì đem khóa kín trong tủ thờ!
Trong thực tế, Đức Chúa Jesus chịu chết trên thập tự giá chứ không phải chết trên bàn thờ. Thân thể của Đức Chúa Jesus chính là đền thờ (Giăng 2:21-22) cho nên không cần có một bàn thờ nào để các linh mục Công Giáo đặt thân thể Ngài lên. Khi những người thời xưa giết chết Đức Chúa Jesus là họ đã phá hủy Đền Thờ của Đức Chúa Trời, là phạm tội mà họ không biết! Đức Chúa Jesus đã cầu nguyện xin Đức Chúa Cha tha thứ cho họ (Lu-ca 23:34). Nay, các linh mục Công Giáo cử hành “Mass” là tiếp tục giết Chúa Jesus, là hủy phá Đền Thờ của Đức Chúa Trời, là phạm tội một cách có ý thức, vì chính tài liệu Thần học của họ đã khẳng định như vậy! Thánh Kinh cho biết: Đức Chúa Jesus chịu chết một lần là đủ cả, là “xong!” như lời Ngài tuyên phán trên thập tự giá (“Đã được hoàn tất!” – Giăng 19:30; Hê-bơ-rơ 7:27), chứ không phải chết đi sống lại mỗi ngày qua cái gọi là “Thánh Lễ Mass” mà vẫn không cứu được ai hết, vì tín đồ Công Giáo được dạy rằng sau khi chết họ vẫn phải chịu khổ trong ngục luyện tội vì những tội lỗi đã gây ra trong đời!
Thập tự giá của người Công Giáo mang hình tượng của một người bị đóng đinh trên đó vì đối với người Công Giáo: Đức Chúa Jesus vẫn phải chết mỗi ngày trong các lễ tế “Mass”. Thập tự giá của người Công Giáo là hình ảnh của sự chết, của sự sỉ nhục, tượng trưng cho hình phạt khủng khiếp dành cho tử tội. Thập tự giá đó không thể nào gọi là “thánh giá”. Đức Chúa Jesus đã ví sự chết của Ngài như là sự gieo giống và sự sống lại của Ngài như là sự hạt giống hóa thành cây (Giăng 12:24). Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, cho chúng ta biết: “Được gieo ra trong sự nhục nhưng được sống lại trong sự vinh” (I Cô-rinh tô 15:43). Vì thế, thập tự giá với thân hình của một tử tội bị đóng đinh trên đó là hình ảnh của sỉ nhục. Ngày nay, người Tin Lành dùng hình ảnh của một thập tự giá trống không để nhắc nhở sự kiện Đấng Christ đã chết trên thập tự giá và đã phục sinh. Sự trống không trên thập tự giá mời gọi chúng ta đem con người cũ của mình đóng đinh lên đó để được đồng chết và đồng sống lại với Đấng Christ. Đó cũng chính là ý nghĩa lời kêu gọi của Đức Chúa Jesus: “Nếu ai muốn đến, theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Ta.” (Lu-ca 9:23).
Quan điểm Thần học cho rằng: giết chết (hủy diệt) một nạn nhân để dâng lễ lên Đức Chúa Trời là một quan điểm hoàn toàn không có trong Thánh Kinh. Ngược lại, đây là một quan điểm của các tín ngưỡng ngoại giáo. Từ thời thượng cổ cho đến thời trung cổ, sự kiện giết người tế thần, rồi sau đó ăn thịt người bị giết là tập quán của hầu như mọi sắc dân trên thế giới. Trong thời hiện đại, tập quán này vẫn tồn tại trong các bộ tộc bán khai của những vùng rừng nhiệt đới ở Phi Châu, Nam Mỹ, và Borneo thuộc Á Châu.
Câu chuyện Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham dâng I-sác làm của lễ thiêu chỉ là một sự thử thách đức tin của Áp-ra-ham, không phải là điều kiện hay nghi thức thờ phượng Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Jesus phán: “…trừ khi các ngươi ăn thịt của Con Người và uống máu của Ngài, các ngươi chẳng có sự sống trong các ngươi. Vì thịt của Ta là thức ăn thật, máu của Ta là thức uống thật.” (Giăng 6:53, 55) là Chúa dùng cách nói biểu trưng. Chúng ta biết được như vậy vì Chúa so sánh Ngài với bánh mana từ trời và trong bữa tiệc chuẩn bị Lễ Vượt Qua, Ngài đã ví thân Ngài với bánh không men và huyết Ngài với nước nho. Điều đó cũng giống như khi người sĩ quan tham mưu chỉ vào sa bàn để thuyết trình. Khi anh ta vừa chỉ vào sa bàn vừa nói: Đây là con sông chúng ta phải vượt qua, đây là ngọn đồi chúng ta sẽ đóng quân, và đây là đồn giặc chúng ta phải chiếm lấy… thì không có nghĩa tất cả những biểu trưng trên sa bàn trở thành sông thật, đồi thật, và đồn giặc thật. Đức Chúa Jesus thường dùng lối nói biểu trưng để giảng dạy: Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ta là đường đi. Ta là cửa của chiên. Ta là bánh… Chắc chắn, Chúa không bao giờ biến thành gốc nho, thành con đường, hoặc thành cánh cửa. Cũng vậy, bánh và nước nho không bao giờ biến thành thịt thật và huyết thật của Chúa. Sau khi Đức Chúa Jesus cầm chén nước nho trao cho các sứ đồ và phán: “Hết thảy các ngươi hãy uống đi! Vì đây là máu của Ta…” (Ma-thi-ơ 26:27-28), thì Ngài lại phán tiếp: “Ta phán với các ngươi, từ nay về sau, Ta không uống từ trái nho này nữa, cho đến ngày mà Ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong vương quốc của Cha Ta.” (Ma-thi-ơ 26:29). Điều đó chứng tỏ nước nho vẫn là nước nho; và nếu nước nho vẫn là nước nho thì bánh vẫn là bánh.
Sự sống vật lý của chúng ta được bảo tồn bởi thức ăn và thức uống. Chúng ta phải tiếp nhận thức ăn và thức uống vào trong thân thể của chúng ta qua động tác ăn và uống các thức ăn thức uống vật chất. Sự sống thuộc linh của chúng ta đã mất đi vì sự phạm tội, nay cần được phục sinh và bảo tồn bởi sự tiếp nhận quyền năng cứu rỗi và sự sống đời đời của Đức Chúa Trời. Cho nên, chúng ta cũng cần phải có thức ăn và thức uống thuộc linh. Thức ăn thuộc linh của chúng ta là thân thể của Chúa và thức uống thuộc linh của chúng ta là huyết của Chúa.
Thân thể của Chúa đã bị tan vỡ vì phải gánh thay hình phạt tội lỗi cho chúng ta. Muốn được tha thứ tội, chúng ta phải tiếp nhận sự chết thay của Chúa. Hình ảnh ăn lấy thân thể Chúa biểu trưng cho sự tiếp nhận sự chết thay của Chúa để được tha tội và làm cho sạch tội. Hình ảnh uống lấy huyết của Chúa biểu trưng cho sự tiếp nhận sự sống đời đời qua lời hứa của Đức Chúa Trời, vì trong huyết có sự sống (Lê-vi Ký 17:14; Phục Truyền Luật Lệ Ký 12:23). Chúng ta không bao giờ ăn thịt thật và uống huyết thật của Chúa. Chúng ta cũng không bao giờ bước đi trên Đức Chúa Jesus vì Ngài đã biến thành con đường, hoặc đi xuyên qua Ngài vì Ngài đã biến thành cánh cửa!
Danh từ “Mass” và lễ tế “Mass” (được phiên âm từ tiếng La-tinh “Missa” thành “Mi-sa” trong tiếng Việt), hoàn toàn bị phủ nhận bởi các Giáo Hội Cải Chánh và Tin Lành, như: Lutherans, Baptists, Methodists, Presbyterians, v.v. vì những người Cải Chánh và Tin Lành chỉ làm nghi thức gọi là Tiệc Thánh để nhớ đến Chúa, theo như lời phán dạy của Ngài (Lu-ca 22:19; I Cô-rinh-tô 11:24-25). Đối với người Cải Chánh và Tin Lành: Bánh vẫn là bánh, nước nho vẫn là nước nho, là biểu tượng cho thân thể và huyết của Chúa, là gợi cho con dân Chúa nhớ đến Ngài [11]. Nhớ đến Chúa là nhớ đến sự chết đau thương của Chúa vì tội lỗi của nhân loại để ghê sợ tội lỗi cùng hậu quả của nó mà hết lòng ăn năn từ bỏ tội. Nhớ đến Chúa là nhớ đến giao ước mới Chúa đã dùng chính huyết của Ngài để thiết lập với nhân loại cho đến đời đời. Giao ước mới đó là: “Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 3:16). Chúng ta có thể chỉ vào một tấm hình và giới thiệu với khách rằng: “Đây là hình cha của tôi. Mỗi khi nhìn vào tấm hình này thì tôi lại nhớ đến cha của tôi!” Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ đồng hóa tấm hình đó với cha mình mà tôn kính và phục vụ nó như phải có đối với cha mình. Cha của chúng ta cũng không hiện diện trong tấm hình vô tri vô giác đó.
Thế nhưng, mỗi năm, cứ đến Mùa Giáng Sinh thì người Cải Chánh và Tin Lành lại cùng với người Công Giáo, và người ngoại giáo “phấn khởi” chúc nhau: “Merry Christmas!” nghĩa là chúc nhau: “Mừng Sự Chết của Đấng Christ!” Đấng Christ đã chết một cái chết vô cùng đau đớn và tủi nhục thay cho toàn thể nhân loại. Đó là một sự kiện đau buồn nhất trong lịch sử của cả vũ trụ. Không có sự vui mừng nào trong sự chết của Đấng Christ. Hãy hình dung lại cảnh Chúa Jesus khẩn thiết cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê đến nỗi mồ hôi nhỏ xuống như những giọt máu lớn. Hãy nhớ lại lời tâm tình của Chúa: “Linh hồn Ta buồn bực cho đến chết!” Hãy thử đặt mình vào tâm trạng của Chúa Jesus khi Ngài thống thiết kêu trên thập tự giá: “Đức Chúa Trời của tôi ơi! Đức Chúa Trời của tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” Thánh Kinh không bao giờ dạy chúng ta: “Hãy vui mừng về sự Đấng Christ bị giết”, Thánh Kinh cho biết sự kiện Chúa bị đóng đinh là “công khai sỉ nhục Ngài” (Hê-bơ-rơ 6:6). Vì vậy, làm sao chúng ta có thể “Merry Christmas”, vui mừng về sự Đấng Christ bị giết? Vui mừng vì Ngài bị làm cho sỉ nhục công khai?
Kết luận
“Christmas” có nghĩa là “Sự Đấng Christ bị giết để tế thần”, là một danh từ phản ánh một quan điểm Thần học sai lầm của Giáo Hội Công Giáo, lại được dùng để đặt tên cho lễ kỷ niệm Chúa giáng sinh thì lại càng sai lầm hơn. “Merry Christmas” có nghĩa là “Vui mừng về sự Đấng Christ bị sỉ nhục, bị giết!” Chỉ có những người Pha-ri-si và các nhà thông giáo thời xưa mới hể hả nói với nhau: “Merry Christmas!” sau khi thành công trong việc ép Phi-lát giết Chúa. Xưa nay, chúng ta phạm thượng khi hớn hở chúc nhau: “Merry Christmas!” mà không biết. Nay chúng ta đã biết. Vậy, hãy cùng nhau xưng tội với Chúa và dẹp bỏ sự phạm thượng này. Hãy bỏ đi những bài thánh ca có chữ “Christmas” và “Merry Christmas”.
Vì không ai biết Chúa được sinh ra vào ngày nào; vì Thánh Kinh không dạy chúng ta tổ chức Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh; và trên hết, vì Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh đã hoàn toàn biến thành Lễ Mừng Chúa Chết cho nên con dân Chúa không nên tổ chức và cũng không nên tham dự.
Nguyện Chúa ban cho chúng ta lòng khao khát được thánh hóa và năng lực giúp chúng ta thánh hóa bản thân cùng Hội Thánh của Chúa, để chúng ta có thể thờ phượng Chúa trong thần trí và trong lẽ thật!
Huỳnh Christian Timothy
16/12/2007
Sửa Chữa Lần Thứ Nhất: 19/01/2010
Tham khảo và ghi chú
[1] Origen, “Levit., Hom. VIII”; Migne P.G., XII, 495; quoted by Natal Day, The Catholic Encyclopedia, 1911.
[3] Jack Finegan, Myth & Mystery: An Introduction to the Pagan Religions of the Biblical World, Baker Academic (September 1, 1997), trang 211, 212.
[4] Michael Grant, History of Rome, Prentice Hall; 1 edition (January 1, 1978), trang 391, 392.
[5] C. W. King, Gnostics and their Remains Ancient and Mediaeval, Kessinger Publishing, LLC (May 31, 1942), trang 119.
[6] “Christmas”. Oxford Concise Dictionary of World Religions.
[8] The Online Catholic Encyclopedia: http://www.newadvent.org/cathen/03724b.htm
[9] “In the Christian law, the supreme sacrifice is that of the Mass. The supreme act of worship consists essentially in an offering of a worthy victim to God, the offering made by a proper person, as a priest, the destruction of the victim.” The Catholic Encyclopedia, R.C. Broderick, 1975 ed., Nihil Obstat, Richard J. Sklba, Censor Librorum. Imprimatur, Archbishop William E. Cousins, Milwaukee, WI.
[10] Công Giáo dùng rượu nho trong Lễ Mi-sa. Một số giáo phái thuộc các Giáo Hội Cải Chánh và Tin Lành cũng dùng rượu nho trong Tiệc Thánh. Ma-thi-ơ 26:29 ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus cho biết thức uống được dùng trong Tiệc Thánh đầu tiên do Chúa thiết lập là “nước trái nho”, tức là trái nho được ép cho ra nước để uống như cách thức ép nước mía của người Việt Nam.
[11] Các Giáo Hội Cải Chánh và Tin Lành xem bánh và nước nho dùng trong Tiệc Thánh là biểu tượng để nhớ đến Chúa, ngoại trừ Giáo phái Lutherans (thuộc Giáo Hội Cải Chánh) tuy không tin bánh và nước nho biến thành thịt và máu thật của Chúa như người Công Giáo nhưng tin rằng có sự hiện diện của Chúa trong bánh và nước nho.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.