NYTTN: Mức Độ của Đức Tin – Phần 3

2,983 views

Mức Độ của Đức Tin – Phần 3

Huỳnh Christian Timothy
“Những ý Tưởng Trong Ngày:” https://www.timhieutinlanh.com/?page_id=2209

Thánh Kinh còn dùng một từ ngữ nữa để nói về mức độ của đức tin, từ ngữ đó được Thánh Kinh Việt Ngữ, Bản Dịch Truyền Thống, dịch là “lượng.” Danh từ “lượng” trong tiếng Việt có nghĩa là “sức chứa được.” Rô-ma 12:3 chép:

Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người” (Rô-ma 12:3).

Tôi suy nghĩ nhiều về ý nghĩa của câu Thánh Kinh này. Trước hết, Phao-lô nói rõ, những gì ông nói với Hội Thánh tiếp theo đó là ông nói theo ơn Chúa đã ban cho ông. Điều đó có nghĩa là, ông nói theo sự soi sáng của Chúa và nói trong thẩm quyền của Chúa. Nói cách khác, ông sắp sửa truyền đạt cho Hội Thánh một mệnh lệnh đến từ chính Chúa, chứ không phải là ý riêng của ông. Mệnh lệnh đó là: Mỗi con dân Chúa không được suy nghĩ vượt hơn mức độ đức tin mà Đức Chúa Trời đã ban cho từng người, tùy theo sức đón nhận của từng người.

Qua câu nói đó của Phao-lô, Đức Thánh Linh đã dạy cho tôi biết, đức tin của tôi cũng chính là sự ban cho từ nơi Chúa. Nghĩ cho cùng, thì toàn bộ con người của tôi đều là sự ban cho của Chúa, vì Ngài là Đấng tạo dựng nên tôi; mọi sự trong tôi đều thuộc về Chúa cả, chỉ trừ ra những sự lựa chọn sai trái của tôi.

Chúa ban cho tôi sự tri thức cơ bản về Chúa và Ngài ban cho tôi đức tin cơ bản để tôi có thể tin nhận Ngài. Trên nền tảng của sự tri thức và đức tin đó, tôi phải tự mình lựa chọn: chọn đứng về phía Chúa, vâng phục Ngài, tôn thờ Ngài, vui hưởng hạnh phúc trong Ngài hoặc chọn đối nghịch Ngài, phân cách khỏi Ngài, và sống trong bất hạnh. Câu chuyện “đứa con hoang đàng” (Lu-ca 15) là một hình ảnh sống động, tiêu biểu cho quyền tự do lựa chọn mà Chúa đã ban cho tôi.

Đức Thánh Linh cũng dạy cho tôi biết, sức đón nhận đức tin từ nơi Chúa của mỗi người khác nhau, có người chứa được nhiều, có người chứa được ít; nhưng chứa nhiều hay chứa ít thì sự ban cho của Đức Chúa Trời vẫn là dư dật để mỗi người làm tròn những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn trước cho họ làm theo (Ê-phê-sô 2:10). Như chiếc xe tải có thể chứa hàng trăm lít xăng để dùng vào việc vận chuyển khối lượng lớn hàng hóa đến những nơi xa xôi được đổ đầy xăng thế nào, thì chiếc xe gắn máy chỉ có thể chứa vài lít xăng để đưa tôi đi đó, đi đây trong thành phố, vận chuyển một khối lượng nhỏ hàng hóa, cũng được đổ đầy xăng thế ấy.

Vậy, “lượng,” tức là sức chứa được nhiều hay ít, không phải là vấn đề, mà vấn đề là tôi có đầy trọn đức tin hay không. Có sức chứa lớn nhưng hoàn toàn không có đức tin hoặc chỉ có một ít đức tin thì có ích lợi gì? Chiếc xe tải lớn không có xăng hoặc chỉ có vài lít xăng thì không bao giờ làm tròn công việc giao hàng, nhưng chiếc xe gắn máy nhỏ lúc nào cũng chứa đầy xăng, sẽ dần dần chuyển hết một khối lượng hàng hóa lớn.

Tôi thường nghe một số người nói rằng, tôi sống theo “lượng đức tin” Chúa ban cho tôi. Mới nghe thì thấy thật là hợp với lời dạy của Chúa, nhưng thật ra, họ dùng câu nói đó để bao che cho việc chống nghịch Lời Chúa của họ. Sống theo “lượng đức tin” Chúa ban là hết lòng, hết sức làm theo Lời Chúa trong mọi cảnh ngộ theo năng lực và ơn Chúa đã ban, chứ không phải có nghĩa là “không vâng giữ” các điều răn của Chúa! Khi Chúa phán: “Chớ phạm tội tà dâm!” thì tôi phải hết lòng hết sức không đặt mình vào hoàn cảnh có thể bị cám dỗ, và nhờ cậy Thánh Linh của Chúa cùng Lời của Đức Chúa Trời để chống lại mọi cám dỗ khiến tôi có thể phạm tội tà dâm, chứ không phải tôi cứ miệt mài xem, đọc các loại sách báo, phim ảnh, trang web khiêu dâm… rồi nói rằng, tôi sống theo “lượng đức tin” Chúa ban!

Tương tự như vậy, tôi không thể nào cứ đi làm kiếm sống trong ngày Sa-bát rồi nói rằng, tôi sống theo “lượng đức tin” Chúa ban! Hành động đi làm kiếm sống trong ngày Sa-bát là hành động “không có đức tin” chứ không phải là “sống theo lượng đức tin Chúa ban.” Không một hành động nào vi phạm, chống nghịch lại Mười Điều Răn có thể gọi là “sống theo lượng đức tin Chúa ban.” Thánh Kinh gọi những hành động đó là tội lỗi:

Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp” (I Giăng 3:4)

Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội” (Gia-cơ 4:17).

Rô-ma 14:1-6 cũng thường bị những người sống theo những sự ưa thích của xác thịt, chống nghịch các điều răn của Chúa, lạm dụng để bao che cho tội lỗi. Kẻ yếu đức tin là kẻ hết lòng vâng phục những gì họ đã học biết về Chúa, nhưng sự hiểu biết chưa nhiều nên đức tin chưa được mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi được nghe sự giảng dạy từ những tôi tớ chân thật của Chúa thì họ liền vui mừng tiếp nhận lẽ thật của Lời Chúa, và nhờ đó mà đức tin của họ được tăng trưởng. Kẻ yếu đức tin vì chưa hiểu biết nhiều về Lời Chúa khác với kẻ chống nghịch lẽ thật của Lời Chúa. Tiếp lấy kẻ yếu đức tin trong Hội Thánh khác với cho phép người ta tiếp tục chống nghịch Lời Chúa trong Hội Thánh [1].

Tôi cảm tạ Chúa đã ban cho tôi mấy ngày liên tục có cơ hội để suy ngẫm về đức tin. Qua ánh sáng của Lời Chúa, tôi hiểu biết càng hơn về đức tin và đức tin của tôi lại càng thêm vững chắc.

Nguyện xin Thiên Chúa ban cho tôi năng lực để những gì tôi biết được qua Lời Chúa, tôi đều tin nhận hoàn toàn và hết lòng cẩn thận làm theo; để tôi sống một đời sống đi theo Chúa bằng tâm thần đầy trọn đức tin nơi Ngài. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
23/03/2013

[1] Đón xem và nghe ý nghĩa của Rô-ma 14:1-6 trong loạt bài giảng “Chú Giải Thư Rô-ma.”

Từ Ngữ:

Đạo: Lời của Đức Chúa Trời; đường lối, ý muốn của Đức Chúa Trời theo như sự bày tỏ của Thánh Kinh.

Sống Đạo: Sống theo đường lối của Đức Chúa Trời bằng cách vâng phục các điều răn của Ngài.

Thiên Chúa: Một Đấng Tạo Hóa thể hiện trong ba thân vị, còn gọi là “Ba Ngôi Thiên Chúa:” Thiên Chúa Ngôi Cha (còn gọi là: Đức Chúa Cha hoặc Đức Chúa Trời); Thiên Chúa Ngôi Con (còn gọi là: Đức Chúa Con hoặc Đức Chúa Jesus hoặc Thiên Chúa Ngôi Hai); và Thiên Chúa Ngôi Linh (còn gọi là: Đức Thánh Linh hoặc Thiên Chúa Ngôi Ba). Không phải có ba Thiên Chúa, cũng không phải có một thân vị Thiên Chúa mang ba tên gọi khác nhau, mà là: “Chỉ có một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị và ba thân vị ấy hiệp một trong thực thể Thiên Chúa.”