05_Hình và Tượng Trong Hội Thánh

5,252 views

Bài Giảng Trong Ngày Kiêng Ăn và Cầu Nguyện
Cho Hội Thánh Việt Nam và Dân Tộc Việt Nam
29.6.2013 – Toronto – Canada

Hình và Tượng Trong Hội Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla (Mỹ Linh)

Bài ghi âm có nhiều chi tiết hơn bài viết
Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
http://timhieutinlanh.opendrive.com/files/NV8xNDA0NDkxNV9EdGFLM18wYTk5/05_HinhVaTuongTrongHoiThanh.mp3
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/download/t4gl8x5nshek1t9/05_HinhVaTuongTrongHoiThanh.pdf

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive:https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire:https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Kính thưa Hội Thánh.

Tôi cảm tạ Chúa đã ban cho tôi các sự hiện thấy trong những năm qua. Hôm nay, tôi xin làm chứng lại trước Hội Thánh các sự hiện thấy, liên quan đến cái gọi là “hình Chúa” và hình tượng của con rồng.

“Hình Chúa”

Trước hết, tôi xin nói về cái gọi là “hình Chúa!”

Có thể nói, mỗi khi chúng ta nghe nói đến Đức Chúa Jesus, thì dường như trong tâm trí của chúng ta hiện ra hình ảnh của một người đàn ông da trắng, tóc dài, mặc một chiếc áo dài màu trắng. Đó là cái ấn tượng in sâu trong tâm trí loài người từ những tấm hình được gọi là “hình chân dung Chúa.”

Thực tế, không một tấm hình nào do loài người vẽ ra là chân dung của Chúa. Tất cả đều là sự tưởng tượng của họa sĩ hoặc do họa sĩ vẽ theo chân dung của người mẫu. Thế nhưng, con dân Chúa, từ đời này sang đời khác, đã chỉ vào những tấm hình ấy, gọi đó là “hình Chúa.” Con dân Chúa đã tốn kém biết bao nhiêu tiền bạc cho những tấm hình được gọi là “hình Chúa.”

Dầu không ai nhận rằng mình tôn thờ những tấm hình ấy, nhưng ai nấy đều treo những tấm hình ấy vào nơi trang trọng nhất trong nhà của mình, trong văn phòng của mình, trong phòng ngủ của mình, hoặc trong các cơ sở làm ăn, trong những nơi nhóm họp thờ phượng Chúa.

Trí thì biết đó không phải là hình Chúa, nhưng miệng thì vẫn gọi đó là “hình Chúa,” và lòng thì tôn kính chúng.

Có phải, khi chúng ta gọi một tấm hình nào đó là “hình Chúa,” tức là chúng ta đang nói dối và phạm thượng? Nói dối vì đó rõ ràng không phải là hình Chúa. Còn phạm thượng vì chúng ta dám so sánh một người mẫu hoặc trí tưởng tượng của họa sĩ với Chúa.

Có phải, khi thái độ bên ngoài và và cảm xúc trong lòng của chúng ta tỏ ra tôn kính những tấm hình ấy là chúng ta đã phạm tội thờ hình tượng, biến chúng thành thần tượng?

Một điều quan trọng nữa, là trong những tấm hình được gọi là “hình Chúa” ấy, người ta vẽ một người đàn ông để tóc dài. Có khi người ta vẽ hình một người đàn ông tóc dài, trùm đầu bằng một tấm khăn đang giảng Thánh Kinh!

Nhưng chính Thánh Kinh cho chúng ta biết:

“Phàm người đàn ông cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà trùm đầu lại, thì làm nhục đầu mình. Nhưng phàm người đàn bà cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà không trùm đầu lại, thì làm nhục đầu mình: thật chẳng khác gì đã cạo đầu vậy” (I Cô-rinh-tô 11:4-5).

“Chính lẽ tự nhiên há chẳng dạy cho anh em biết đàn ông để tóc dài thì lấy làm hổ thẹn sao?” (I Cô-rinh-tô 11:14).

Như vậy, ngoài tội nói dối và thờ thần tượng, một người còn mang tội sỉ nhục Chúa khi người ấy chấp nhận và gọi những tấm hình người một đàn ông để tóc dài và trùm đầu trong khi giảng Đạo, là “hình Chúa!”

Trước đây, khi mới tin Chúa, tôi cũng tưởng những tấm hình ấy chính là hình Chúa! Tuy nhiên, sau này tôi được thấy Đức Chúa Jesus trong các giấc mơ và khải tượng thì Ngài là một người có màu da hơi ngăm và tóc ngắn, có nét dợn sóng tự nhiên.

Dĩ nhiên, nhiều người sẽ hỏi rằng, làm sao tôi biết chắc đó là Chúa trong các giấc mơ và khải tượng của tôi. Tôi tin chắc đó là Chúa vì Ngài xưng Ngài là Chúa và Ngài phán dạy tôi những lời của chính Ngài đã được ghi chép trong Thánh Kinh.

Sau khi tôi nhận biết những cái gọi là “hình Chúa” là không thật, trái lại còn là những vật ô uế, thì tôi cầu nguyện, nhân danh Chúa đem tất cả những thứ đó ra khỏi nhà tôi, từ sách báo, tranh ảnh, DVD, cho đến các bộ phim video về cuộc đời của Đức Chúa Jesus.

Ngày nay, có thể nói, hầu như gần hết các trang mạng Tin Lành đều trang trí bằng những tấm hình của một người đàn ông tóc dài, gọi là “hình Chúa.” Các bìa CD, DVD, sách báo cũng dùng hình một người đàn ông tóc dài để minh họa Chúa. Đặc biệt là các truyện tích bằng tranh dành cho thiếu nhi cũng vẽ hình một người đàn ông tóc dài để minh họa Chúa.

Sa-tan thật sự đã thành công lớn trong việc khiến cho con dân Chúa sỉ nhục Chúa qua những tấm hình gọi là “hình Chúa!”

“Tượng Rồng”

Trong thời gian gần đây, tôi có sự thúc giục phải chia sẻ với Hội Thánh một lần nữa về khải tượng con rồng, mà tôi đã nhìn thấy hàng chục năm, từ trước khi tôi tin nhận Chúa.

Vào năm 2005, trong khi chúng tôi đang quản nhiệm Hội Thánh của Chúa tại Tucson, Arizona, Hoa Kỳ, thì chúng tôi có hiệp ý với Hội Thánh và một số con dân Chúa ở nơi khác, quyết định sẽ tổ chức ba ngày kiêng ăn và cầu nguyện cho Hội Thánh Việt Nam và dân tộc Việt Nam tại Hội Thánh địa phương của chúng tôi vào mùa hè năm 2006.

Khi quyết định đã được đưa ra, thì tôi liền bắt đầu cầu thay cho dân tộc Việt Nam. Một hôm, trong khi tôi đang cầu nguyện thì tôi nghe tiếng phán:

“Dân tộc con đã nhận rồng làm cha. Các con mời nó vào, thì phải đuổi nó ra. Thì các linh sợ hãi không còn cai trị họ. Hai mươi lăm năm về trước, Ta đã cho con thấy hai con rồng. Chính nó là Chúa quỷ. Chính nó dẫn dụ dân tộc con thờ phượng nó.”

Lời phán của Chúa có những ý nghĩa gì?

1. Dân tộc con đã nhận rồng làm cha: Chúng ta ai cũng biết, dân tộc Việt Nam có truyền thuyết “con rồng cháu tiên,” cho rằng dân tộc Việt Nam xuất thân từ giống rồng và giống tiên. Trong khi đó, Thánh Kinh cho biết rồng là biểu tượng của Ma Quỷ:

“Tôi thấy một thiên sứ xuống từ trời, có chìa khóa của vực sâu không đáy và một dây xích lớn trong tay. Người bắt con rồng, là con rắn xưa, tức là Ma Quỷ, là Sa-tan, xích nó lại trong một ngàn năm.” (Khải Huyền 20:1-2).

2. Các con mời nó vào, thì phải đuổi nó ra. Thì các linh sợ hãi không còn cai trị họ: Thánh Kinh dạy rằng, Chúa ban cho con dân Chúa quyền nhân danh Chúa để trừ quỷ:

“Và những dấu hiệu này sẽ theo những kẻ tin: Trong danh Ta họ sẽ đuổi quỷ” (Mác 16:17).

“Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả ma quỷ, thì nó sẽ lánh xa anh em” (Gia-cơ 4:7).

Khi dân tộc chúng ta nhận mình là con của rồng, cháu của tiên thì dân tộc chúng ta đã tự nguyện đặt mình dưới sự cai trị của Ma Quỷ. Vì thế, phải có người Việt Nam đứng ra, nhân danh Chúa mà xua đuổi Sa-tan trong biểu tượng con rồng. Có như vậy, sự sợ hãi các quyền lực của tà linh mới không còn ở trong tâm trí của dân tộc Việt.

Chính sự sợ hãi khiến cho người Việt Nam chìm sâu trong những sự bùa phép, mê tín dị đoan, cầu đồng, cầu bóng, bói toán, cúng lạy các tà linh.

3. Hai mươi lăm năm về trước, Ta đã cho con thấy hai con rồng: Điều lạ lùng là, tôi đã quên hẵn việc mình nhìn thấy hình tượng của con rồng. Nhưng khi Chúa nhắc đến, thì tôi nhớ ra, quả thật, trước đó 25 năm, tôi đã nhìn thấy hình tượng của hai con rồng trên bầu trời. Hình dáng của nó tương tự như các hình tượng rồng nơi các đền đình, chùa miếu của người Việt Nam.

4. Chính nó là Chúa quỷ. Chính nó dẫn dụ dân tộc con thờ phượng nó: Như vậy, Chúa đã dạy cho tôi biết, quả thật hình tượng con rồng mà tôi nhìn thấy chính là tiêu biểu của chúa quỷ, tức là Sa-tan. Và quả thật, người Việt Nam có thờ phượng con rồng chứ không phải chỉ xem nó như là một hình ảnh nghệ thuật.

Sa-tan đã dẫn dụ người Việt Nam, tôn thờ nó qua hình tượng con rồng.

Thế nhưng, ngày nay, nhiều con dân Chúa vẫn ưa thích hình tượng con rồng. Họ đem những hình tượng của rồng vào trong nhà của họ, xem như là các hình ảnh mỹ thuật. Thậm chí, trong những nơi nhóm họp, thờ phượng Chúa, người ta dùng các chậu kiểng có đúc hình con rồng.

Tháng 3 năm 2013, tại Đà Nẵng, người ta đã khánh thành cây cầu mới, bắc qua sông Hàn, có hình tượng con rồng có thể phun nước và phun lửa. Trong buổi lễ khánh thành, có nhiều con dân Chúa đi xem, trong đó, có những người mang danh “mục sư,” đã trầm trồ khen ngợi sự kiện hình tượng con rồng phun nước và phun lửa!

Vì hình tượng con rồng tiêu biểu cho Sa-tan, là ô uế, nên con dân Chúa cần phải tránh xa, không đem nó vào nhà, dù là bất cứ hình thức nào, từ hình vẽ, cho đến hình đúc, hình chạm, hình thêu, hình in…

Tại sao chúng ta có thể dùng tiền Chúa ban cho chúng ta để đi mua những thứ tôn vinh Sa-tan qua hình ảnh của con rồng? Cá nhân tôi, từ khi nhận biết hình ảnh con rồng là biểu tượng của Sa-tan, thì tôi đã đem tất cả nữ trang, quần áo, hình ảnh, phim ảnh có hình ảnh con rồng ra khỏi nhà. Thậm chí, khi đi chợ mua thức ăn, gia đình tôi cũng không mua những thức ăn mà bao bì có in hình ảnh con rồng, ông địa, thần tài, hay hình tháp, hình chùa…

Không riêng gì hình tượng con rồng, mà tất cả các hình tượng đúc và chạm nào Chúa đã có lệnh cấm trong Thánh Kinh, chúng ta cũng cần phải tránh xa:

Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:15-18

15 Vậy, các ngươi hãy cẩn thận giữ lấy linh hồn mình cho lắm, vì các ngươi không có thấy một hình trạng nào trong ngày Giê-hô-va Thiên Chúa các ngươi, từ nơi giữa lửa phán cùng các ngươi, tại Hô-rếp;

16 e các ngươi phải làm hư hoại cho mình chăng, và làm một tượng chạm nào, tạo hình trạng của tà thần nào, hoặc hình của người nam hay người nữ,

17 hoặc hình của con thú nào đi trên đất, hoặc hình của vật nào có cánh bay trên trời,

18 hoặc hình của loài côn trùng nào bò trên đất, hay là hình của con cá nào ở trong nước dưới đất;

Chúng ta phải cẩn thận giữ lấy linh hồn mình khỏi sự bị ô uế bởi hình tượng. Chúa phán một cách nghiêm khắc:

“Đáng rủa sả thay người nào làm tượng chạm hay là tượng đúc, là vật gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:15).

Kết Luận

Quả thật, những tấm hình sỉ nhục Chúa và những bức tượng tôn cao rồng, tức Sa-tan, đã vào trong Hội Thánh người Việt Nam. Không phải chúng chỉ xâm nhập vào trong nhà cửa, nơi nhóm họp thờ phượng Chúa, mà chúng còn vào tận trong tấm lòng của con dân Chúa.

Khi chúng ta đã biết lẽ thật về hình và tượng đang xâm nhập Hội Thánh Chúa như vậy, thì chúng ta còn có thể nào dùng tiền Chúa ban cho chúng ta để mua hình, mua tượng, thậm chí để đi tham quan những nơi có hình tượng?

Mua hình, mua tượng, đi tham quan những nơi có hình tượng tà thần là dùng tiền của Chúa để tôn vinh Ma Quỷ, hầu việc hình tượng.

Là con dân Chúa, chúng ta phải:

“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Ngày của Chúa đã gần, chúng ta hãy cùng nhau dọn lòng cho được thánh sạch để đón Chúa:

II Cô-rinh-tô 6:14-18:

14 Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?

15 Đấng Christ và Bê-li-an nào có hòa hiệp chi, hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin?

16 Có thể nào hiệp đền thờ của Thiên Chúa lại với hình tượng tà thần? Vì chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Hằng Sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ, và họ làm dân Ta.

17 Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế, thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi:

18 Ta sẽ làm Chúa các ngươi, Các ngươi làm con trai con gái Ta, Chúa Toàn năng phán như vậy.

Kẻ chẳng tin là kẻ không làm theo Lời Chúa, cho dù họ có xưng mình là con dân Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh dùng lẽ thật của Lời Chúa để thánh hóa mỗi một chúng ta. Cảm tạ Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla (Mỹ Linh)
Sa-bát 29/06/2013

Ghi Chú

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.